Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 29/11/2024 08:11
Thứ năm, 18/07/2024 15:07
TMO - Trong đợt xét duyệt lần này, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã xét và công nhận 41 cây cổ thụ thuộc 6 tỉnh, thành trên cả nước đủ điều kiện công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cụ thể, 6 tỉnh, thành phố có cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam bao gồm: TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Thừa Thiên – Huế và Long An.
Trong đợt xét duyệt này, tỉnh Hà Giang là địa phương có nhiều cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam nhất với 18 cây Chè Shan tuyết, các cây cổ thụ tập trung ở huyện Quản Bạ. Cụ thể là 15 cây có độ tuổi từ 110 đến 160 năm của các hộ dân thuộc thôn Tả Ván (xã Tả Ván) và 3 cây của các hộ dân ở thôn Hòa Sì Pan. Đặc biệt trong số những cây cổ thụ của huyện Quản Bạ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản, có 3 cây Chè Shan tuyết của 3 hộ gia đình ông Vàng Khái Tả, ông Vàng Khái Lử và ông Thào Mìn Thái là những cây nhiều tuổi nhất, có chu vi thân tới 1,2m và cao từ 8-11m.
Tỉnh Lạng Sơn là tỉnh đứng thứ 2 có số lượng cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản trong lần xét duyệt này với 11 cây. Tất cả những cây cổ thụ đều ở trong khuôn viên nhà thờ Chính tòa và Tòa Giám mục Lạng Sơn, số 02 – 04 Văn Miếu, phường Chi Lăng (TP. Lạng Sơn).
Cụ thể là 03 cây nhãn có tuổi từ 100 đến 350 năm, chu vi thân từ 2,1m đến gần 4m; 01 cây hồng ngâm gần 200 năm, có chu vi thân 2,4m và cây hoa sữa hơn 100 năm, có chu vi thân 3,6m, cao 17m. Tại đây còn có 04 cây thiên tuế có tuổi từ 400 - 600 năm, 02 cây săng lẻ hơn 400 năm, có đường kính thân hơn 1m, chiều cao 16m. Tuy nhiên cây thiên tuế và cây săng lẻ đều là những cây được chuyển vị từ nơi khác đến.
(Ảnh minh hoạ).
Đối với TP. Hà Nội, trong số 08 bộ hồ sơ cây cổ thụ của thành phố Hà Nội gửi đến, Hội đồng Cây Di sản chỉ xét công nhận 07 cây đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam. Cụ thể là cây đại hoa trắng hơn 300 năm, chu vi thân gần 3m ở thôn Tiên Tân, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng; cây đa hơn 400 năm ở đình làng thôn Kim Quy, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên và 03 cây (đăng ký là cây muỗm) hơn 300 năm, có đường kính thân từ 1-1,3m trong khuôn viên miếu Xuyên Dương, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai. Dù công nhận đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam, nhưng Hội đồng đề nghị xác định lại tên loài trước khi công nhận. Bởi qua hình ảnh, thấy rõ có sự nhầm lẫn với loài cây trôi.
Ngoài ra trong khuôn viên ngôi miếu Xuyên Dương còn có cây đa hơn 300 năm, chu vi thân 5m, cao 25m cũng đủ điều kiện công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Khu vực Đình thôn An Phú, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội còn có cây nhội trên 200 năm, chu vi thân 4,3m, chiều cao 20m và cây đa hơn 150 năm; chu vi thân 13m cũng đủ tiêu chí công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế là địa phương đứng thứ tư về số lượng với 02 cây cổ thụ được công nhận đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam trong đợt xét lần này. Những cây cổ thụ đều ở xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang. Cụ thể là cây mù u gần 400 năm chu vi thân gần 7m trước Đình làng Kế Võ và cây thị hơn 300 năm, chu vi thân 5,4m ở miếu Cây Thị, làng Tân Sa.
Tại tỉnh Long An và TP. Hải Phòng, mỗi nơi có 01 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cụ thể, tại tỉnh Long An là cây me hơn 200 năm, đường kính thân gần 1m tại ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tại TP. Hải Phòng là cây đa trên 200 năm tuổi ở thôn Hà Phương 2, xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo được Hội đồng Cây Di sản xét duyệt đủ điều kiện công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Việc xét duyệt những cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận là Cây Di sản Việt Nam hướng đến mục tiêu bảo tồn những loài cây quý, có giá trị đối với đời sống tinh thần của cộng đồng người dân. Bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thu Phương
Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Theo đó, cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động. Đối tượng dự thi là người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”. Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này.
Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/3/2024 đến hết ngày 30/9/2024. Lễ trao giải được tổ chức vào cuối tháng 11/2024. Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội).
E-mail: [email protected]
Cơ cấu giải thưởng gồm 23 giải:
01 Giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
02 Giải A: Trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải
05 Giải B: Trị giá mỗi giải 5.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
15 Giải C: Trị giá mỗi giải 2.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
Bình luận