Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 04:11
Thứ bảy, 16/12/2023 19:12
TMO – Trong đợt xét duyệt lần này, các chuyên gia, nhà khoa học xác định 18 cây cổ thụ tại nhiều địa phương đủ tiêu chuẩn công nhận Cây Di sản Việt Nam. Trong đó có 2 cây chò chỉ gần 800 năm tuổi.
Thông tin từ Hội đồng Cây Di sản Việt Nam (thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), trong đợt xét duyệt cuối năm 2023, cả nước có 18 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản.
Cây đa Di sản ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Phương
Theo đó, tại cuộc họp mới đây, các thành viên (là những chuyên gia, nhà khoa học) Hội đồng Cây Di sản đều nhất trí thông qua danh sách đề nghị công nhận 18 cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam. Cụ thể, theo hồ sơ, trên địa bàn tỉnh An Giang có 10 cây (quần thể gồm 06 cây dầu rái trong khuôn viên Tỉnh Uỷ An Giang; 01 cây gõ mật 165 tuổi trong khuôn viên chùa Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên; 02 cây dầu rái hơn 100 năm ở huyện Châu Thành; 01 cây sộp hơn 200 năm cũng trên địa bàn huyện Châu Thành).
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 2 cây đa ôm cây Kơ Nia trên 200 năm trong khuôn viên đình thần Tương Bình Hiệp, khu phố 2, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một. Tỉnh Phú Thọ có 2 cây chò chỉ mọc tự nhiên trong vườn Quốc gia Xuân Sơn (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn) có tuổi gần 800 năm, chu vi thân hơn 4 mét, cao: 45 m.
Trong đợt xét duyệt lần này, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 03 cây gạo, gồm (02 cây ở xã Đồng Cẩm, huyện Kim Thành, 01 cây khác ở thôn Kim Điền, xã Hưng Đạo, TP. Chí Linh). Tỉnh Đồng Nai có 1 cây hoa nhài ở xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom. Được biết, danh sách 18 cây cổ thụ trên đã được trình Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xem xét ký Quyết định công nhận Cây Di sản.
GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết, đối với những hồ sơ không kịp xét duyệt lần này (trong năm 2023) sẽ được xét duyệt vào lần kế tiếp (nằm trong kế hoạch của năm 2024). Về Kế hoạch hoạt động Cây Di sản năm 2024, GS Huỳnh cho biết, năm 2024, các thành viên Hội đồng Cây Di sản sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thẩm định thực địa, xét duyệt công nhận Cây Di sản; Cùng với địa phương tăng cường khảo sát, đánh giá thực trạng sống, tư vấn chữa bệnh, chăm sóc cây; Đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của Cây Di sản Việt Nam nói riêng và tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường góp phần phát triển bền vững.
PHẠM DUNG
Bình luận