Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 16:11
Thứ sáu, 05/07/2024 15:07
TMO - Ngày 4/7, Thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã tổ chức họp để báo cáo công tác, kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm và tiếp tục triển khai công tác trong 6 tháng cuối năm 2024.
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 3 điểm cầu là Hà Nội – Huế - TP.HCM. Về kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2024, TS.Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE đã có Báo cáo tóm tắt với 7 đề mục chính. Cụ thể là công tác về mở rộng mạng lưới tổ chức; Tư vấn - Giám định - Phản biện xã hội; Truyền thông; đối ngoại nhân dân; Bảo tồn Cây Di sản và các nhiệm vụ khác.
Về công tác tổ chức, theo Báo cáo, các Ban và Hội đồng của Hội đã kiện toàn, với số lượng thành viên đều không vượt quá 9 người. Bên cạnh đó, Hội đã ra Quyết định thành lập mới Viện Khoa học giáo dục môi trường và phát triển cộng đồng (trụ sở tại Đà Lạt) và kết nạp 2 đơn vị hội thành viên mới tại Hà Nội.
Thời gian qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tại các địa phương cũng được củng cố và mở rộng. Đơn cử như Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Ninh Bình tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029. Câu lạc bộ Đạp xe Truyền thông môi trường kết nối Cây Di sản được kiện toàn tổ chức, bầu lại Ban Lãnh đạo và phát triển thêm 10 hội viên mới.
Công tác Truyền thông của VACNE được duy trì tốt trên trang Website của VACNE và Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường. Bên cạnh đó nhiều chương trình được VACNE phối hợp tổ chức thực hiện thành công như Chương trình “ Vì Môi trường xanh quốc gia” trong khuôn khổ chương trình “Lễ hội Đền Hùng năm 2024” đã tạo ấn tượng mạnh trong xã hội.
Bên cạnh đó, nhờ những thông tin bổ ích, trang website của VACNE và trang Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường đã thu hút đông đảo sự quan tâm của bạn đọc. Các trang mạng xã hội khác như Youtube, cuộc thi Viết về Cây Di sản Việt Nam lần thứ 2 do VACNE phát động cũng thu hút sự chú ý của mọi người dân trên cả nước.
Thường vụ VACNE tổ chức họp tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024.
Hoạt động Tư vấn - Giám định - Phản biện xã hội cũng được đẩy mạnh. Cụ thể, các chuyên gia của VACNE thường xuyên trả lời các cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông của Trung ương và các địa phương. Nhiều hội viên tích cực đóng góp xây dựng các văn bản liên quan tới các báo cáo ĐTM, các đề tài, dự án tại địa phương; liên quan đến Luật Tài nguyên nước, Dự thảo nghị định thi hành Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi.
Về hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2024, đã có trên 8.000 cây, thuộc 145 loài thực vật của 57 tỉnh, thành phố được công nhận là Cây Di sẩn Việt Nam. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, có thêm hàng trăm cá thể, thuộc 9 loài cây mới ở 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Lai Châu lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam…
Ngoài ra hàng loạt nhiệm vụ quan trọng khác cũng được báo cáo tại cuộc họp lần này như các thành viên thông báo về việc đăng ký nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và tư vấn phản biện xã hội năm 2025; công tác chuẩn bị đăng ký xin Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHKT vào những năm tới; đề nghị PGS.TS Phùng Chí Sỹ tham gia Ban Chủ nhiệm “Chương trình KH&CN phục vụ mục tiêu phát thải ròng về “0” tại Việt Nam” theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ; nhiều Hội địa phương, đặc biệt là Hải Phòng, Phú Thọ, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam và Văn phòng Hội tích cực tham gia sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam đạt kết quả cao và có tác động tốt…
Tại cuộc họp, các thành viên đều nhất trí bầu bổ sung PGS.TS Nguyễn Văn Công, Ủy viên BCH VACNE, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Cần Thơ vào Ban Thường vụ; ông Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Ninh Bình vào Ban Chấp hành VACNE.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, công tác trong 6 tháng cuối năm 2024, VACNE yêu cầu các đơn vị, các tổ chức trực thuộc cần thông tin kịp thời về VACNE, đồng thời chủ động và sáng tạo hơn trong quá trình công tác, hoạt động nhằm mang lại kết quả tốt nhất.
Thu Phương
Bình luận