Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ hai, 27/03/2023 13:03
TMO - Phát triển các khu, cụm công nghiệp giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, địa phương này đang nỗ lực hoàn thiện ha tầng bảo vệ môi trường đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tại các khu vực sản xuất công nghiệp trên.
Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 05/07 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động (gồm: KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu, KCN Phúc Sơn, KCN Tam Điệp I và KCN Khánh Cư) với 62 cơ sở đang hoạt động. Tổng lượng nước thải phát sinh của 05 KCN khoảng 5.666 m3 /ngày đêm, trong đó 03/05 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định đạt tỷ lệ 60%; 02 KCN còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung (tỷ lệ 40%).
Xử lý nước thải tại KCN Khánh Phú. Ảnh: ĐP.
Đối với KCN Tam Điệp giai đoạn I, chưa được xây dựng do chưa có nguồn vốn, UBND tỉnh đã có văn bản số 140/VP-UBND ngày 17/3/2015 về việc đôn đốc, hướng dẫn các Nhà máy trong KCN Tam Điệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy đạt giá trị cột A quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải trước khi thải ra ngoài môi trường. Đến nay các cơ sở trong KCN Tam Điệp giai đoạn I đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo yêu cầu trước khi xả thải.
Tại KCN Khánh Cư, ngày 09/10/2017, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1310/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Khánh Cư, trong đó có điều chỉnh xử lý nước thải phi tập trung (xây dựng 03 trạm xử lý nước thải cho 03 lô 7 đất công nghiệp CN1, CN2, CN3) đảm bảo đạt cột A, quy chuẩn cho phép trước khi xả thải. Hiện KCN Khánh Cư có Nhà máy kính CFG đang hoạt động, đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, công suất 40m3 /ngày đêm, xử lý nước thải đạt cột A, QCVN 14:2008/BTNMT.
Cùng với các KCN, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn có 14/18 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động thu hút 100 dự án thứ cấp và 256 hộ sản xuất kinh doanh đầu tư vào CCN. Trong đó, 08/14 CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 57,14 %, 06/14 CCN còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung (tỷ lệ 42,85%), các doanh nghiệp trong các CCN này tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt cột A Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải trước khi thải ra ngoài môi trường.
Hoàn thiện hạ tầng xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp là một trong những giải pháp để địa phương này hướng tới mục tiêu phát triển các KCN sinh thái, tăng trưởng xanh bền vững.
Thời gian tới, nhằm hoàn thiện hạ tầng xử lý nước thải tại các khu vực sản xuất công nghiệp này, các chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư KCN phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải tập trung, các hạng mục này cần được thiết kế đúng và phù hợp điều kiện thực tế, xây dựng và lắp đặt đúng thiết kế, duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của KCN; tham gia ứng phó các sự cố môi trường trong KCN. Chủ đầu tư KCN cần bố trí địa điểm và xây dựng các khu vực lưu giữ tạm thời và trung chuyển các chất thải rắn, chất thải nguy hại từ các doanh nghiệp trong KCN.
Tất cả các doanh nghiệp trong KCN có nước thải phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải của KCN, trường hợp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì từng doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài. Các doanh nghiệp có phát sinh khí thải phải có hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải. Các doanh nghiệp trong KCN có phát sinh chất thải nguy hại phải có hợp đồng với các đơn vị có chức năng và đủ năng lực để thu gom và xử lý đúng cách.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Ninh Bình, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua có bước phát triển khá cao, cơ cấu sản xuất trong nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh gắn với thị trường.
Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Ninh Bình cho biết, trong năm 2022 các doanh nghiệp trong các KCN đã đạt được những kết quả quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng khá so với năm trước, cụ thể: Doanh thu ước đạt 73.260 tỷ đồng, tăng 7,45% so với năm ngoái, đạt 106,17% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,7% so với năm ngoái, đạt 100% kế hoạch năm; ước nộp ngân sách 14.000 tỷ đồng, đạt 140% kế hoạch năm 2022.
Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu công tác bảo vệ môi trường tại các KCN cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa. Các doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường bền vững, lâu dài; tạo điều kiện tốt nhất về điều kiện làm việc cho người lao động nhằm hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững gắn với nâng cao đời sống cho người dân.
Các chủ đầu tư khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn phải hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra; giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với một số sở, ngành tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ nguồn thải của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, góp phần xây dựng KCN sáng, xanh, sạch, đẹp, vì sự phát triển bền vững của môi trường.
Minh Quang
Bình luận