Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Thứ sáu, 18/08/2023 14:08
TMO - Tình trạng ngập nước tại TP.HCM đã kéo dài nhiều năm qua, thành phố cũng đã đầu tư nhiều dự án chống ngập nhưng đến nay ngập vẫn xảy ra nhiều nơi mỗi khi mưa lớn.
Tình trạng đường phố ngập nước sau mưa từ nhiều năm qua luôn là vấn đề nhức nhối đối với chính quyền cùng hàng triệu người dân TP.HCM. Những ngày gần đây, tình trạng đường ngập nước do mưa lớn tái diễn trên địa bàn thành phố. Từ đầu năm 2023 TP.HCM có 15 tuyến đường trục chính và nhiều tuyến hẻm (đặc biệt ở khu vực vùng ven) bị ngập khi xảy ra mưa lớn. Trong đó có 3 khu vực thường xuyên ngập do mưa lớn tập trung ở quận Gò Vấp và TP Thủ Đức.
Theo đó, khu vực ngập sâu nhất là ở quận Gò Vấp với các tuyến đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu… ảnh hưởng đến hoạt động giao thông. Ở thành phố Thủ Đức, đường Hiệp Bình và Quốc lộ 13 bị ngập khoảng 40cm và đường Võ Nguyên Giáp (khu vực giáp ranh thành phố Thủ Đức và quận Bình Thạnh) bị ngập hơn nửa phần đường...
Cơn mưa lớn chiều 17/8 vừa qua khiến nhiều tuyến đường tại quận Gò Vấp, TP Thủ Đức ngập sâu. Ảnh: TQ.
Trước tình trạng trên, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết tình hình ngập. Đã có 5 tuyến đường được cải thiện rõ rệt gồm Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát (quận Tân Bình) và Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) cùng một số khu vực khác như bùng binh Cây Gõ, khu vực Chợ Tân Định... Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng ngập nước cần có lộ trình và kế hoạch triển khai từng năm phù hợp với điều kiện của thành phố.
Nguyên nhân chủ yếu gây ngập là do hệ thống thoát nước của Thành phố được đầu tư qua nhiều thời kỳ, có nhiều đường cống xây bằng gạch thẻ, không đủ tiết diện để thoát nước; thậm chí nhiều khu vực chưa có hệ thống thoát nước hoặc hệ thống thoát nước chưa được đầu tư hoàn thiện. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt khiến những cơn mưa có cường độ rất lớn (mưa lớn trong thời gian ngắn) ngày càng xuất hiện dày đặc, làm quá tải hệ thống thoát nước. Từ năm 2000 trở về trước, phải 5 năm mới xuất hiện một trận mưa với lượng mưa trên 95mm trong 3 giờ thì những năm gần đây, năm nào cũng xuất hiện trên 3 trận mưa trên 100mm, có những trận mưa trong vòng 1 giờ đã đạt trên 150mm.
Để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố đã ban hành Đề án Chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020-2045 và Kế hoạch Chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030. Theo đề án này thì mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết phạm vi 550km2 thuộc giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung giải quyết tình trạng ngập cho vùng trung tâm thành phố rộng 106,41 km2, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố.
Thành phố tập trung thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước hạn chế tình trạng ngập úng do mưa lớn (Ảnh minh họa).
Cụ thể, thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết 18 tuyến đường ngập do mưa còn lại. Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt là khu vực phía Đông thành phố. Thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm thành phố về phía Nam, đồng thời kết hợp chỉnh trang đô thị.
Ngoài ra, thành phố tập trung đầu tư thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp; triển khai các dự án xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương - Bến Cát và Cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi – Tẻ (giai đoạn 3) nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị cho các lưu vực trên.
Ngoài giải pháp công trình còn có 4 nhóm giải pháp phi công trình. Đó là nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước. Tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước. Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân.
Theo kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2030 trên địa bàn TP.HCM, trong giai đoạn 2020 – 2025, thành phố đặt chỉ tiêu giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết phạm vi 550 km2; Tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm thành phố rộng 106,41 km2; cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố.
Từ năm 2026 – 2030, thực hiện các dự án dự báo, kiểm soát ngập nước nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu. Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước theo quy hoạch tại khu vực ngoại vi, tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án nạo vét trục thoát nước chính; chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch đường sông, xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các lưu vực đông dân cư còn lại.
Lê Đức
Bình luận