Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 14:11
Thứ bảy, 07/10/2023 19:10
TMO – Bộ Khoa học và Công nghệ cần rà soát tổng thể và đề xuất các giải pháp phù hợp, phương án điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thị trường khoa học và công nghệ dần hình thành, phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ từng bước được hoàn thiện; nguồn cung hàng hoá khoa học và công nghệ ngày càng tăng, kết quả nghiên cứu dần trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp đón nhận; nhu cầu, năng lực tiếp nhận, hấp thụ và làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện; các tổ chức trung gian từng bước được hình thành và phát triển, công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm khoa học và công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, về tổng thể, thị trường khoa học và công nghệ nước ta còn tồn tại một số rào cản, vướng mắc, "điểm nghẽn" cần được sớm tháo gỡ, khắc phục, cụ thể là: Hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ còn chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho thương mại hóa, đẩy mạnh cung - cầu công nghệ; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt; còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ nước ngoài.
Áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn trầm lắng; doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu; các tổ chức trung gian chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ còn yếu; thiếu các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối với quy mô cấp vùng, quốc gia và kế nối với thị trường quốc tế.
Nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập nêu trên để tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập trong thời gian tới, Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 25/CT-TTg về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, rà soát tổng thể và đề xuất các giải pháp phù hợp, phương án điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong đó, rà soát, đề xuất, ban hành các quy định pháp luật về góp vốn, thoái vốn khi tổ chức, cá nhân góp vốn bằng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoàn thành trong năm 2024. Chủ trì xây dựng, triển khai các chính sách cụ thể để thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia người nước ngoài tham gia vào hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam; hoàn thành trong giai đoạn 2024 - 2025.
Chủ trì xây dựng báo cáo hằng năm về thị trường khoa học và công nghệ. Xây dựng, ban hành các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá hoạt động của thị trường khoa học và công nghệ và hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương áp dụng. Nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp lý về sàn giao dịch công nghệ để bảo đảm thị trường khoa học và công nghệ hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững.
Phối hợp, hỗ trợ các địa phương hình thành và phát triển 03 sàn giao dịch công nghệ trọng điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM và một số sàn giao dịch khoa học và công nghệ cấp địa phương. Hỗ trợ hình thành mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước và kết nối với mạng lưới các tổ chức trung gian khu vực và quốc tế. Xây dựng, đưa vào sử dụng trong năm 2024 cổng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường khoa học và công nghệ nhằm cung cấp thông tin công nghệ, máy móc thiết bị phục vụ nhu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh, báo cáo cấp có thẩm quyền trong năm 2024. Đề xuất phương án thúc đẩy doanh nghiệp thành lập và sử dụng hiệu quả quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong hoạt động tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát và đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để làm rõ các quy định về việc quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế và tính đặc thù của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoàn thành trong năm 2023. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách liên quan đến tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng phục vụ ngành hàng xuất khẩu chủ lực và công nghệ tiên tiến có khả năng tạo giá trị gia tăng cao.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát và đề xuất giải pháp phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho viên chức tham gia, quản lý, điều hành doanh nghiệp khởi nguồn trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các viện nghiên cứu, trường đại học (spin-off); hoàn thành trong năm 2024. Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường..., theo chức năng, thẩm quyền được phân công, chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ được giao.../.
QUỐC DŨNG
Bình luận