Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 22/12/2024 14:12
Thứ sáu, 03/02/2023 04:02
TMO - Thời gian tới, các Bộ ngành chức năng, các địa phương cần tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, trong đó chú trọng đến hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Theo Nghị quyết 01/NQ-CP về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Chính phủ đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Cụ thể, cần phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Rà soát, đánh giá điều chỉnh nhiệm vụ công trình thủy lợi, tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống công trình; trọng tâm là thủy lợi nội đồng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Kiểm tra, rà soát, đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tránh trú bão.
Rà soát, đánh giá điều chỉnh nhiệm vụ công trình thủy lợi, tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống công trình, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai
Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện cả nước đã xây dựng được trên 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200 ha trở lên. Trong đó, có 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn; hơn 86.200 công trình thủy lợi, gồm 6.750 hồ chứa, 592 đập dâng, 19.416 trạm bơm; 27.754 cống; 16.057 đập tạm; 291.013 km kênh mương; 16.573 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Trên hầu hết các lưu vực sông đều có hệ thống hồ chứa tham gia phòng, chống lũ, tổng dung tích tham gia cắt, giảm lũ cho hạ du của các hồ chứa lớn hiện nay khoảng 13,3 tỷ m3 . Hệ thống đê sông hiện có 9.242 km (trong đó 2.741 km từ cấp III đến cấp đặc biệt), 1.035 km kè, 1.563 cống dưới đê. Ngoài ra còn có hơn 30.000 cống bọng, 28.000 trạm bơm nội đồng tưới tiêu kết hợp, hàng ngàn km bờ bao, cống nhỏ phục vụ chống lũ, ngăn mặn, tiêu thoát nước ở đồng bằng sông Cửu Long.
Các công trình, hệ thống công trình thủy lợi trên đã đảm bảo cấp nước cho 4,28 triệu ha, trong đó, tưới cho lúa khoảng 7,26 triệu ha/7,68 triệu ha gieo trồng (đạt 95%); cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; đảm bảo kiểm soát mặn cho khoảng 1 triệu ha đất nông nghiệp; kết hợp phát điện và phục vụ cho giao thông thủy, bộ, du lịch, bảo vệ môi trường...; tiêu thoát nước cho trên 1,72 triệu ha đất nông nghiệp và một phần diện tích khu đô thị, công nghiệp qua hệ thống công trình thủy lợi.
Hệ thống công trình phòng, chống lũ đã bảo vệ cho hơn 23 triệu dân cùng hạ tầng xây dựng, công nghiệp, giao thông, quốc phòng, du lịch... và gần 2 triệu ha sản xuất nông nghiệp ở 15 tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng đồng bằng 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh và nhiều vùng, địa phương khác trước thiên tai lũ, ngập lụt; kiểm soát lũ cho hơn 1,2 triệu ha cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, ngành thủy lợi tiếp tục đầu tư phát triển thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, trước hết cho lúa, nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế. Củng cố, xây dựng hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống công trình ngăn lũ, thoát lũ, phòng chống sạt lở nhằm chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là kiểm soát, giám sát chặt chẽ nguồn thải, xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng; đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; kiểm soát, giám sát chặt chẽ nguồn thải, xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng; đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn, thiết lập mạng lưới các cơ sở xử chất thải rắn tập trung theo hướng liên vùng, liên tỉnh.
Đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, xử lý, tái chế chất thải, nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thu gom xử nước thải, bảo vệ môi trường phục hồi các dòng sông. Kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị; giải quyết tình trạng ngập úng tại các đô thị, nhất là đô thị lớn.
Quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, sẵn sàng đón dòng vốn hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng với G7 và các đối tác quốc tế vào lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo, chuyển đổi xanh; tăng cường truyền thông, phổ biến các quy định của quốc tế trong việc áp dụng các tiêu chuẩn phát thải, đặc biệt là Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon đối với hàng hóa vào thị trường EU.
Thực hiện các giải pháp bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Nam Trung Bộ trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, hạn hán, lũ lụt, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân.
Tiếp tục hoàn thiện, hiện đại hóa đồng bộ hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm các nguy cơ thiên tai, trượt lở đất đá, lũ quét, sạt lở, biển xâm thực. Đồng thời, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác chia sẻ hài hòa nguồn nước xuyên biên giới, nhất là sông Mê Công và sông Hồng.
Trước đó, Quyết định 896/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050. Theo đó, nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững, đơn cử như: Thực hiện đánh giá tác động, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu trong quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dựa trên cơ sở phân vùng rủi ro thiên tai và kịch bản biến đổi khí hậu.
Tập trung phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, chú trọng các công trình đa mục tiêu, công trình liên vùng; nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của các ngành. Xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đô thị, các điểm dân cư tập trung, KCN, khu tái định cư ven biển và hải đảo. Phát triển các khu đô thị, đô thị ven biển, trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái, di tích lịch sử văn hóa; chống ngập lụt cho đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Từ nay đến năm 2030 ưu tiên xây dựng các công trình xanh và phát triển cây xanh đô thị, nâng cấp hệ thống thoát nước, phòng chống ngập lụt cho các đô thị lớn, đô thị ven biển. Phát triển, hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc, hệ thống giao thông kết nối liên vùng. Hoàn thành các công trình hạ tầng trọng yếu đặc biệt là các công trình phòng chống thiên tai, ngăn triều cường, xâm nhập mặn, công trình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chống ngập lụt ở các đô thị lớn. Xây dựng một số hồ chứa lớn đa mục tiêu tại các vùng hạn hán, vùng khan hiếm nước đảm bảo hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyễn Minh
Bình luận