Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ sáu, 10/02/2023 04:02
TMO - Tỉnh Kiên Giang xác định việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cấp nước sạch là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn, không để người dân bị thiếu nước vào mùa khô, hạn mặn.
Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, qua khảo sát, thống kê ban đầu, hơn 30.200 hộ dân trên địa bàn tỉnh có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, Kiên Lương, U Minh Thượng, Giang Thành và một số đảo thuộc huyện Kiên Hải. Tỉnh đầu tư nguồn kinh phí hơn 31 tỷ đồng để đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn, trung tâm các huyện, thành phố và xã, phường thị trấn, khắc phục tình trạng thiếu nước của một số khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Tỉnh Kiên Giang đầu tư nguồn kinh phí hơn 31 tỷ đồng để đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn (Ảnh minh họa)
Đơn vị chức năng Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống cống trên địa bàn thành phố Rạch Giá và ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành để giữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập sâu vào kênh Rạch Giá-Long Xuyên, đảm bảo có đủ nước ngọt cho hồ Tà Tây cung cấp cho các nhà máy nước trên địa bàn thành phố Rạch Giá phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Đơn vị chức năng vận hành cống Ba Hòn (Kiên Lương) kết hợp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Giá-Hà Tiên tại xã Hòa Điền, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước trên địa bàn huyện Kiên Lương. Vận hành cống Hà Giang ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước cấp cho nhà máy nước Hà Tiên, phục vụ nước sinh hoạt cho người dân khu vực biên giới.
Đồng thời, chủ động tích nước an toàn vào các hồ chứa, gồm Dương Đông (thành phố Phú Quốc), Bãi Nhà (Kiên Hải), hồ chứa nước ở một số xã đảo để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên đảo. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành đưa vào sử dụng các hồ chứa nước đang xây dựng. Ngoài ra, tỉnh rà soát, thống kê các hộ dân ở phân tán thuộc những khu vụ vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa có trạm cấp nước hoặc chưa có tuyến ống đi qua để đầu tư hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa 1m3 chứa nước và hóa chất xử lý nước khẩn cấp để có nước sử dụng.
Trong giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp nước, thực hiện lập kế hoạch cấp nước đúng quy trình, tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước. Các trạm cấp nước xây dựng mới phải lựa chọn công nghệ tiên tiến, phù hợp với chất lượng nước thô (ngầm và mặt) và thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng đảm bảo môi trường. Cải tạo, lắp đặt hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu nhằm hỗ trợ công tác giám sát và điều khiển từ xa. Thực hiện mục tiêu tỉ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 65% và tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 50% theo quy định.
Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Kiên Giang phê duyệt đầu tư nâng cấp, mở rộng 12 công trình, đầu tư mới 4 công trình tại một xã đặc biệt khó khăn, vùng ven biển, phục vụ cho trên 12.000 hộ dân (Khoảng 193.000 người) tại các huyện Giồng Riềng, Châu Thành, Hòn Đất, Vĩnh Thuận... Đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ bằng nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, 9 công trình phục vụ cho khoảng 12.000 hộ dân.
Địa phương này triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh việc hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng cấp nước sạch khu vực nông thôn.
Tại Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, địa phương này phấn đấu có 65% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; phấn đấu nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung trên 50%. Đến năm 2045, phấn đấu có 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; có trên 75% người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.
Trong đó, đối với công trình cấp nước sạch tập trung tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu. Đầu tư sửa chữa, nâng cấp, cải tạo đối với các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung quy mô nhỏ, tận dụng mạng đường ống để đấu nối sử dụng vào hệ thống cấp nước sạch tập trung quy mô lớn hơn; kéo dài tuyến ống, sử dụng nguồn nước từ những công trình có tính bền vững, dần tiến tới hòa mạng các công trình cấp nước tập trung để điều hòa, hỗ trợ cấp nước trong tình huống khó khăn về nguồn nước, gắn với giám sát quản lý vận hành công trình.
Ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo.
Thực hiện các giải pháp cấp nước quy mô hộ gia đình đối với những vùng gặp khó khăn trong đầu tư công trình cấp nước tập trung hoặc đầu tư công trình cấp nước tập trung không hiệu quả, vùng chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, nhất là các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; tập trung: Đầu tư bồn trữ nước mưa và các hình thức trữ nước khác phù hợp đặc thù ở khu vực nông thôn để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt. Hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng vật liệu thu, xử lý, trữ nước an toàn hộ gia đình. Hướng dẫn kiểm tra, giám sát chất lượng nước quy mô hộ gia đình.
Đồng thời, xây dựng hướng dẫn và triển khai kế hoạch cấp nước an toàn đảm bảo ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác giám sát đánh giá thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Nâng cao năng lực xét nghiệm chất lượng nước cho các đơn vị cấp nước; đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm và thiết bị xét nghiệm hiện đại phục vụ công tác nội, ngoại kiểm chất lượng nước; năng lực xác định và xử lý sự cố gây gián đoạn, ngưng trệ hiện tượng cấp nước.
Ưu tiên hệ thống đường ống được kết nối liên huyện, liên xã, có tính chất đầu mối, tạo nguồn để bổ sung nguồn nước cho các công trình lân cận trong khu vực. Cải tạo, nâng cao chất lượng nước tại các công trình đã có, thay thế các dây chuyền công nghệ xử lý nước lạc hậu bằng các dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến, nhằm nâng cao hiệu suất của hệ thống xử lý nước và chất lượng đầu ra đạt các chỉ tiêu theo quy chuẩn đáp ứng yêu cầu chất lượng nước, nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo ứng phó thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.
Lê Hải
Bình luận