Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 07:11
Thứ năm, 24/11/2022 11:11
TMO - Luật Đất đai 2013 tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiến tạo động lực mới cho phát triển.
Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới sẽ tác động đến vùng Tây Nguyên như việc hoàn thiện quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất gắn với bảo vệ và phát triển rừng; sử dụng đất đa mục đích, kết hợp phát triển cây dược liệu, du lịch nghỉ dưỡng gắn với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng; tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất để sản xuất không chỉ trong nông nghiệp mà trong sản xuất, kinh doanh để đảm bảo sinh kế, phù hợp với tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực tế quỹ đất ở địa phương.
(Ảnh minh hoạ)
Đặc biệt, việc hoàn thiện các quy định sẽ mang lại thay đổi lớn, như quy định cho thuê đất hàng năm, miễn hoàn toàn tiền thuê đất đối với các trường hợp Nhà nước thực hiện chính sách đất đai đảm bảo tư liệu sản xuất cho đồng bào, ngăn ngừa tình trạng nhận đất hỗ trợ chuyển nhượng và tiếp tục di canh, di cư, phá rừng làm nương rẫy.
Theo giới chuyên gia, để sử dụng quỹ đất tại Tây Nguyên có hiệu quả cần thực hiện rà soát hiện trạng sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; xác định diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng, đang giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm và đang có tranh chấp để xử lý, thu hồi giao cho đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất ở địa phương và các chủ thể có năng lực sử dụng hiệu quả, phát huy lợi thế quỹ đất tập trung. Thực hiện các biện pháp kiên quyết để các doanh nghiệp phải thực hiện chuyển sang thuê đất, thu nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đảm bảo mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách.
Với vùng Tây Nguyên, các địa phương cần khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai cho phát triển cây công nghiệp lâu năm; quy hoạch phát triển chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế. Quy hoạch hệ thống đô thị, các khu công nghiệp, dịch vụ gắn kết theo các hướng tuyến giao thông; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư hạ tầng, tạo sức lan tỏa; kết nối không gian phát triển với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hệ thống cảng biển.
Ngoài tài nguyên đất đai, tài nguyên nước cũng cần giải quyết căn cơ tình trạng hạn hán, thiếu nước ở khu vực Tây Nguyên thông qua quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Sê San, sông SrePok, sông Đồng Nai, sông Ba; phát triển các công trình trữ nước, hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa phù hợp theo mùa để điều hòa phân bổ nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội; phát triển công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm cho cây trồng cạn gắn với nông nghiệp tập trung quy mô lớn.
Phạm Yến
Bình luận