Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/04/2025 13:04
Thứ hai, 31/03/2025 11:03
TMO - Thời gian qua, khu vực thuộc Dự án đường Vành đai 3.5 đoạn qua xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội xuất hiện tình trạng rác thải sinh hoạt tràn lan, tồn đọng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đối với cuộc sống người dân nơi đây.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường ngày 25/3, khu vực thuộc Dự án đường Vành đai 3.5 đoạn qua xã Kim Chung (huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) rác thải sinh hoạt vẫn chất đống và tồn đọng, nhiều chai nhựa, túi nilon, bao tải...bốc mùi hôi thối nồng nặc chưa được thu gom, xử lý kịp thời.
Chứng kiến tình trạng ô nhiễm kéo dài tại khu vực này, bà Nguyễn Minh Phương (thôn Lai Xá, xã Kim Chung) cho biết: Tình trạng này kéo dài nhiều ngày qua, rác thải chất thành đống, nằm ngổn ngang dưới lòng đường, chủ yếu các túi nilon đựng rác thải đang phân hủy, bốc mùi hôi thối biến này lại trở thành điểm tập kết rác tự phát.
Bà Phương cho biết thêm: Ban đầu khu vực này chỉ có vài túi rác nhỏ, nhưng dần dần người ta đem đến đổ ngày một nhiều hơn. Có khi, họ còn ném cả xác động vật chết, khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng bâu kín những túi rác, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân sống tại khu vực này như chúng tôi.
Thường xuyên phải đi làm qua tuyến đường này, anh Nguyễn Hồng Phong cho biết, mỗi lần đi qua đoạn đường này tôi cảm nhận rõ mùi rác thải đang bị phân hủy bốc lên nồng nặc. Thậm chí những ngày trời oi nóng, tôi phải nín thở, đi thật nhanh qua khu vực này vì mùi hôi thối rất khó chịu.
Rác thải bị đổ tràn lan, tràn xuống lòng đường, khiến người dân mỗi khi đi qua khi vực này đều phải di chuyển thật nhanh vì mùi hôi thối. Thực tế này, đòi hỏi cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo công tác thu gom rác được xử lý kịp thời, hạn chế tác động đến chất lượng môi trường, cảnh quan khu vực nông thôn, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp thì việc nâng cao chất lượng môi trường là nhiệm vụ quan trọng để địa phương này triển khai hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Điều 58 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về bảo vệ môi trường nông thôn như sau: Chất thải phát sinh trên địa bàn nông thôn phải được quản lý theo quy định của pháp luật; chất thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải từ chăn nuôi, chế biến và phụ phẩm nông nghiệp phải được thu hồi, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu sản xuất; Chất lượng môi trường nông thôn phải được theo dõi, đánh giá; khu vực ô nhiễm phải được xác định, khoanh vùng, xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường.
Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thống kê và quản lý các loại chất thải sinh hoạt, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát sinh trên địa bàn; tổ chức hoạt động giữ gìn vệ sinh, cải tạo cảnh quan nông thôn; quy định về hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn;
Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt; Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Tùng Dương - Thành Nguyễn
Bình luận