Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 20:01
Chủ nhật, 11/02/2024 15:02
TMO - Trong những ngày đầu năm, khi sắc đào hồng tô thắm những bản làng miền Bắc, mai vàng rực rỡ vùng đất phương Nam, thì đất trời Tây Nguyên cũng chuyển mình đón mùa Xuân mới. Tây Nguyên mùa Xuân không mưa phùn bay bay trong cái rét ngọt, mà vàng rực nắng dưới trời xanh thăm thẳm với núi đồi hùng vĩ, ngập tràn sắc hoa của núi rừng, hương hoa lan tỏa.
Hòa Cà phê - loài hoa đặc trưng vùng Tây Nguyên khi Tết đến xuân về.
Không khí rộn ràng, ấm áp của mùa xuân tràn ngập khắp các buôn làng, khắp núi rừng cao nguyên hùng vĩ. Cái nắng, cái gió Tây Nguyên cũng mang theo hương hoa cà phê nồng nàn và nụ cười người dân Tây Nguyên dường như ngọt ngào, say đắm hơn. Tây Nguyên vào xuân, các buôn làng rộn rã tiếng cồng chiêng, bà con dân tộc cùng nhau tổ chức nhiều lễ hội độc đáo, hòa mình vào những cuộc vui miên man ngày tháng. Khắp buôn xa làng gần náo nức trong ngày hội, cùng cầu xin các vị thần ban cho một năm mới sung túc, bình an, mùa màng bội thu, ấm no, hạnh phúc.
Tây Nguyên mùa nắng. Nắng trải dài như tiếng khèn của người Tây Bắc quấn quyện điệu chiêng huyền thoại Tây Nguyên. Những cung đường về bản, xuống buôn, những nụ mai anh đào bung cánh nghinh xuân. Trên miền đất đỏ bazan đã có thêm những người bạn núi cùng hòa nhịp mùa xuân. Khi những cánh đồng đã trơ cuống rạ, những trái cà-phê cuối cùng đã thu hoạch xong, cũng là lúc các buôn làng Tây Nguyên vào mùa hội, mùa “ăn năm, uống tháng”, mùa sống cạn với nghĩa, với tình, với sinh khí mùa xuân. Và trên miền đất huyền ảo ấy, có những người con của vùng cao Tây Bắc đến sinh cơ, lập nghiệp, cũng hòa nhịp, tạo nên bức tranh sắc mầu sinh động giữa đại ngàn.
Theo mạch nguồn văn hóa, lễ, Tết của người bản địa Tây Nguyên theo quy luật mùa vụ, như lễ cúng đầu mùa, khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch; lễ cúng thần đập nước, lễ mừng lúa trổ bông... Và khi lúa đã chuyển về kho, người Cơ Ho, Mạ, Chu-ru tiến hành lễ hội mừng lúa mới. Đây là lễ cúng lớn nhất của người Tây Nguyên. Những chàng trai ngực trần tuấn tú cùng với già làng dựng cây nêu linh thiêng trước nhà rông, nhà dài; những cô gái miền sơn cước lo văn hóa ẩm thực. Nhịp chiêng, trống, kèn vẫn quyện hòa vũ điệu tamya, mải miết rong chơi trên đỉnh núi lớn và dặt dìu trong những vòng xoang cùng vui ngày hội. Người Chu-ru cho rằng, sự thông nối giữa các nhạc cụ truyền thống với tamya là sự giao hòa âm dương, biểu hiện của sự tương giao bền chặt.
Mùa xuân Tây Nguyên sóng sánh trong ánh mắt của người con xa quê trở về với bao cảnh sắc vừa lạ vừa quen. Lang thang trên những con đường đất đỏ bazan, ta thấy mình lạc trôi giữa mùa xuân trắng bởi sắc hoa cà phê phủ trắng xóa khắp các vạt đồi, bát ngát, điệp trùng. Từ Lâm Đồng qua Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắc, Kon Tum, từ chân đèo Bảo Lộc đến chân núi Langbiang, từ Biển Hồ đến đỉnh Chư Yang Sin hùng vĩ, nơi đâu cũng nồng nàn hương thơm của loài hoa ấy. Cũng có mai vàng như Nam Bộ nhưng có lẽ hoa cà phê trắng tinh khôi, rực rỡ mà bình dị mới là vẻ đẹp riêng, đặc trưng của vùng đất đỏ bazan mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Ghi chép của HOÀI AN
Bình luận