Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 24/05/2025 22:05
Thứ sáu, 23/05/2025 14:05
TMO - Tỉnh Hòa Bình với địa hình đồi núi phức tạp cũng là địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão ảnh hưởng đến nhà cửa và tài sản của nhiều hộ dân. Địa phương này có trên 2.000 hộ nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Do địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và khe suối sâu, độ dốc lớn, tỉnh Hòa Bình hằng năm đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, mưa lũ; nhiều khu dân cư tại các huyện thuộc vùng cao bị đe dọa an toàn vì lở đất, lở núi.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hòa Bình, sạt lở đất là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn các huyện, thành phố, vào mùa mưa bão thì tần suất nhiều hơn. Sạt lở đất thường xảy ra do mưa to kéo dài, do sự thay đổi độ nóng ẩm của đất hoặc do tác động của con người vào phần mái dốc, xây dựng công trình trên sườn dốc.
Trên địa bàn tỉnh, sạt lở đất thường xảy ra tại các tuyến đường giao thông như: dọc tỉnh lộ 433 từ xã Tú Lý, huyện Đà Bắc đến TP Hòa Bình và dọc quốc lộ 6. Ngoài ra, sạt lở đất cũng thường có ở các vùng có địa chất, địa hình không ổn định như các xã: Nánh Nghê, Giáp Đắt (Đà Bắc); Mai Hạ, Chiềng Châu, Xăm Khòe (Mai Châu); Nhân Mỹ, Đông Lai (Tân Lạc)...
Tỉnh Hòa Bình rà soát các khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét...
Cùng với sạt lở đất, tỉnh Hòa Bình cũng là địa bàn có nguy cơ cao với lũ ống, lũ quét do địa hình phức tạp, chia cắt, nhiều sông, suối. Đây là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra khi có mưa to kéo dài trên địa bàn nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Năm 2024, toàn tỉnh thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng do thiên tai. Trong đó, sạt lở đất để lại hậu quả nặng nề tại nhiều địa phương.
Đáng chú ý, với đặc điểm địa chất là dạng đất, đá không có độ kết dính và địa hình đồi núi có độ chia cắt phức tạp, độ dốc lớn, kéo dài, xen kẽ là các vùng trũng thấp, thung lũng dọc các sông, suối lớn, Hòa Bình tiếp tục là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ cao sạt lở đất kèm theo lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão.
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 2.000 hộ nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Cụ thể, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã kiểm tra, rà soát, xác định 234 điểm với hơn 5.000 hộ nằm trong vùng nguy cơ thiên tai cao cần có phương án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư. Trong đó, 143 điểm nguy cơ sạt lở với hơn 2.000 hộ bị ảnh hưởng cần bố trí ổn định dân cư; 21 điểm thường xuyên bị lũ ống, lũ quét với khoảng 167 hộ bị ảnh hưởng; 70 điểm thường xuyên bị ngập úng với hơn 1.700 hộ bị ảnh hưởng.
Nhiều điểm sạt lở được UBND tỉnh xếp vào dự án cấp bách triển khai phương án xử lý như: khu vực tổ 15, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình); khu đồi Lủ Thao, xã Lâm Sơn (Lương Sơn)… Ngoài ra, tại các địabàn vùng núi còn nhiều khu vực bị sạt trượt từ mùa mưa bão năm 2024 nhưng đến nay mới chỉ có phương án di dời dân mà chưa có các giải pháp khắc phục triệt để.
Các địa phương chủ động phương án khắc phục nhanh chóng sự cố trong mùa mưa bão.
Từ mùa mưa bão năm 2024, các điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở đã được các địa phương dựng biển cảnh báo để người dân biết, chủ động đề phòng. Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai năm 2025, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã rà soát, cập nhật, điều chỉnh và chuẩn bị xây dựng mới kế hoạch phòng chống thiên tai tại các cấp ở địa phương và phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai được quy định. Đồng thời, tỉnh Hòa Bình đôn đốc các huyện, thành phố kiểm tra đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu tái định cư, Dự án khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai gây sạt lở đất, đá.
Thời gian tới tỉnh tăng cường đôn đốc và hướng dẫn các địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã sau khi thực hiện chính quyền hai cấp. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra và đôn đốc các địa phương trong việc rà soát, xây dựng phương án phòng thủ dân sự trong địa phương; bố trí nhân sự làm công tác phòng chống thiên tai hợp lý để đảm bảo bám sát địa bàn, kịp thời trong công tác tham mưu phòng ngừa và ứng phó với thiên tai khi thực hiện đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình khắc phục hậu quả thiên tai đề đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân và Nhà nước.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 22/5 đến ngày 24/5, khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 70 - 150 mm, có nơi trên 250 mm. Từ chiều tối và đêm 23/5 đến đêm 24/5, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa từ 40 -100mm, có nơi trên 150mm; có thể xuất hiện mưa cục bộ với cường suất lớn trên 80mm trong 3 giờ.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân, khách du lịch chủ động phòng tránh hiện tượng mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và gió giật mạnh có thể xảy ra trong những ngày tới; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động xử lý giờ đầu và tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suối trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khi tập trung dân cư.../.
Thanh Nga
Bình luận