Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ tư, 08/05/2024 14:05
TMO - Do địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và khe suối sâu, độ dốc lớn, tỉnh Hòa Bình hằng năm đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, mưa lũ; nhiều khu dân cư tại các huyện thuộc vùng cao bị đe dọa an toàn vì lở đất, lở núi. Trước mùa mưa lũ năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các huyện chủ động rà soát, lập phương án cụ thể sẵn sàng ứng phó.
Theo kết quả rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 135 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với 6.000 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai cần phải có phương án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.
Trong đó: Khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn có 85 điểm với 3.376 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư, bao gồm: huyện Tân Lạc 8 điểm 408 hộ bị ảnh hưởng; huyện Đà Bắc 15 điểm với 757 hộ; huyện Mai Châu 15 điểm với 713 hộ; huyện Cao Phong 10 điểm với 215 hộ; Thành phố Hòa Bình 11 điểm với 658 hộ; huyện Yên Thủy 5 điểm 110 hộ; huyện Lương Sơn 5 điểm 133 hộ; huyện Kim Bôi 9 điểm 200 hộ; huyện Lạc Sơn 6 điểm 150 hộ; huyện Lạc Thuỷ 1 điểm với 32 hộ.
Khu vực thường xuyên bị lũ ống lũ quét có 13 điểm với 157 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư bao gồm: huyện Mai Châu 7 điểm với 90 hộ; huyện Cao Phong 2 điểm với 03 hộ; huyện Yên Thủy 2 điểm với 54 hộ; huyện Kim Bôi 1 điểm với 5 hộ; huyện Lạc Thuỷ 1 điểm với 5 hộ. Khu vực thường xuyên bị ngập úng có 37 điểm với 2.467 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư, bao gồm: Huyện Mai Châu 6 điểm với 139 hộ; huyện Lạc Thủy 8 điểm với 978 hộ; huyện Yên Thủy 9 điểm với 659 hộ; huyện Lương Sơn 8 điểm với 627 hộ; huyện Kim Bôi 5 điểm với 37 hộ; Thành phố Hoà Bình 1 điểm với 27 hộ dân bị ảnh hưởng.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 135 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với 6.000 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng.
Trước tình hình trên, từ năm 2023 UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện bố trí ổn định dân cư theo hình thức di chuyển tập trung, xen ghép, ổn định tại chỗ cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bố trí ổn định dân cư theo hình thức di dân tập trung 26 khu tái định cư bố trí cho 1.452 hộ; Bố trí ổn định theo hình thức di dân xen ghép 51 điểm bố trí cho 1.201 hộ; Bố trí ổn định tại chỗ 58 điểm bố trí cho 3.347 hộ.
Hàng năm, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân các kiến thức nhận biết, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân, đồng thời đôn đốc các địa phương chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai cụ thể cho các vị trí trọng điểm để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân.
Tổng hợp báo cáo của các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh các điểm xung yếu bao gồm: 08 vị trí đê điều xung yếu; 48 hồ chứa thủy lợi có nguy cơ mất an toàn hoặc xả lũ ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du; 11 hồ chứa thủy điện có nguy cơ mất an toàn hoặc xả lũ ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du; 23 công trình chống úng, hạn; 08 công trình chống sạt lở, sụt lún đất; 01 công trình phòng chống lũ quét; 02 nhà kết hợp sơ tán dân; 15 khu vực đường tỉnh lộ nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt sâu, chia cắt khi xảy ra mưa lũ; 05 bến cảng, khu neo đậu tàu thuyền nguy cơ mất an toàn khi bão đổ bộ; 09 hệ thống lưới điện nguy cơ bị sự cố khi xảy ra thiên tai; 05 hầm mỏ có nguy cơ bị sự cố sạt lở khi xảy ra mưa lũ; 07 công trình tháp cao nguy cơ mất an toàn khi bão đổ bộ; 22 công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai; 02 khu công nghiệp; 14 khu nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp giá trị cao.
Hầu hết, các điểm xung yếu đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai hàng năm nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người dân xung quanh. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan chỉ đạo ứng phó thiên tai nhất là các điểm xung yếu, đảm bảo hiệu quả, kịp thời trong mùa mưa lũ năm 2024.
Để bảo đảm an toàn cho người, nhà ở, công trình xây dựng mùa mưa bão năm 2024, UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cần xác định các công trình đang có sự cố, hư hỏng trọng điểm, xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho công trình; phối hợp chặt chẽ để triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ 2024, xây dựng, rà soát hoàn thiện quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn công trình giữa địa phương và đơn vị quản lý công trình. Nghiêm cấm việc cắt xẻ công trình đầu mối để triển khai thi công khi không đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ.
Đối với các công trình đang thi công phần cống phải tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn. Trường hợp thi công trong mùa mưa, các đơn vị phải có biện pháp thi công phù hợp đảm bảo tiến độ, an toàn và quản lý tốt chất lượng đắp đập, tuyệt đối không đắp đập vào những ngày mưa và đắp đất ướt vượt quá độ ẩm cho phép.
Đối với những công trình thi công đã hoàn thành hạng mục đập đất, cống lấy nước, trong quá trình tích nước đề nghị đơn vị quản lý, chủ đầu tư phải thường xuyên theo dõi công trình, nếu phát hiện thấy hiện tượng bất thường phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá mức độ an toàn. Đối với những công trình hồ chứa đang thi công còn thiếu vốn đề nghị UBND các huyện, thành phố, các Chủ đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, ưu tiên bố trí kinh phí để hoàn thành công trình.
Đồng thời, cần khẩn trương kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm công trình thủy lợi, đặc biệt là hành lang các công trình hồ chứa nước để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024; rà soát xây dựng kế hoạch cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định; kiểm tra phát dọn, xử lý tổ mối trên thân đập để thuận lợi cho công tác kiểm tra, đánh giá an toàn đập. Tiến hành rà soát các hồ chứa, khu vực sông suối có dòng chảy sâu, dòng chảy siết thực hiện cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm cấm các hoạt động kinh tế, thăm quan du lịch, tham gia tắm sông, ao hồ,... nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khu vực xung quanh.
Đối với các khu dân cư, điểm sạt lở, lũ ống lũ quét đã xảy ra thiên tai hoặc có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra diễn biến thời tiết, thiên tai và các hiện tượng sạt lở đất, đá xảy ra trên địa bàn, lập phương án theo dõi, cảnh báo thiên tai, phương án ứng phó và chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động phòng, chống thiên tai để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời và khắc phục khẩn trương các hậu quả khi có mưa lũ xảy ra; kiên quyết di chuyển dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn khi có tình huống cấp bách. Chủ động bố trí kinh phí tổ chức triển khai thực hiện ổn định dân cư theo hình thức di dân tái định cư tập trung, xen ghép và ổn định tại chỗ theo các quy định hiện hành của nhà nước.
Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Sở NN&PTNT Hòa Bình cho biết, qua kiểm tra hiện trạng một số hồ chứa do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình và UBND các huyện, thành phố quản lý khai thác nhận thấy một số đập của hồ chứa: hư hỏng xuống cấp như thấm qua thân đập, mặt cắt thân đập không đảm bảo kích thước, hư hỏng tràn, van điều tiết, xuất hiện nhiều tổ mối, cây, cỏ mọc nhiều tại mái đập, tràn lắp đăng để chắn cá…
Để đảm bảo an toàn đập trước mùa mưa lũ, kịp thời xử lý các ẩn họa trên thân đập. Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố và Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình khẩn trương: Lâp, rà soát phương án bảo vệ đập, hồ chứa và vùng hạ du theo Công văn số 726/SNN-TL ngày 20/3/2024 của Sở NN&PTNT về việc tăng cường triển khai Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó thiên tai ra thực địa; đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai theo quy định tại khoản 11, khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật đê điều.
Các công trình hư hỏng đã được rà soát có 147 hồ, đập chứa nước thủy lợi; các hồ đập bị hư hỏng ở các hạng mục như thấm qua thân và nền đập, lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng hạ lưu, hư hỏng, xói lở tràn hoặc tràn không đảm bảo khả năng thoát lũ, rò rỉ cống lấy nước… cần phải có kế hoạch để sửa chữa trong thời gian tới (có phụ lục chi tiết kèm theo), đề nghị các đơn vị, địa phương sắp sếp thứ tự ưu tiên sửa chữa để khắc phục bằng nguồn ngân sách địa phương, trường hợp vượt quá khả năng ngân sách địa phương báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định, đồng thời gửi Sở NN&PTNT tổng hợp theo dõi; trước mắt khắc phục tạm thời các hư hỏng nhỏ để đảm bảo tưới nước phục vụ sản xuất cho người dân.
Thường xuyên tổ chức rà soát kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn, kể cả trong thời gian không có mưa, lũ, kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, nguy cơ phát triển thành sự cố công trình, đặc biệt là các công trình đã xuống cấp, hư hỏng, thấm, sạt trượt mái đập....Chủ động kịp thời xử lý các ẩn họa trên mái đập, thân đập như phát dọn cây cỏ, tổ mối, tháo dỡ chướng ngại vật trên tràn...đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình.
Lê Thủy
Bình luận