Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ sáu, 08/12/2023 14:12
TMO - Những năm trở lại đây, ngư dân tại nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Bình đã triển khai chương trình thu gom rác thải trong quá trình khai thác thủy sản xa bờ, nhằm góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và giữ gìn đa dạng sinh học biển.
Từ tháng 8/2021-3/2022, dưới sự tài trợ của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế và môi trường bền vững (SEEDS) đã triển khai mô hình vận động ngư dân mang rác từ biển vào bờ tại xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới). Theo đó, công tác truyên truyền cho ngư dân ven biển và các chủ tàu khai thác hải sản nhận thức được tác hại của rác thải nhựa ảnh hưởng đến vi sinh vật đại dương và làm ô nhiễm tài nguyên biển được triển khai.
Mô hình đã tác động trực tiếp đến 300 người hưởng lợi trong đó gồm có các chủ tàu, thuyền đánh bắt thủy sản, hội viên hội phụ nữ, hội nông dân xã Bảo Ninh thông qua các cuộc tập huấn nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ thuật đan túi lưới từ lưới cũ (hỏng), ký cam kết, gắn bảng nội quy và thực hành thu gom rác thải từ biển vào bờ của 100 tàu, thuyền.
Ngư dân thu gom những rác thải vào đất liền sau những chuyến đi biển kéo dài góp phần giảm thiểu ô nhiễm đại dương. Ảnh:T Hoa.
Với những hiệu quả tích cực, tháng 9-12/2022, SEEDS tiếp tục triển khai mô hình tại phường Hải Thành, xã Quang Phú, Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới). Mô hình đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng, đặc biệt là các chủ tàu thuyền, ngư dân. Mô hình đã có 400 tàu thuyền tham gia cam kết thu gom rác từ biển vào bờ; nhận thức của ngư dân được nâng cao và tham gia nhiệt tình, tự giác chấp hành các cam kết; chính quyền địa phương đã vào cuộc trong công tác tuyên truyền, gắn bảng nội quy, xây dựng cam kết đưa rác thải vào bờ; thu gom được hơn 10 tấn rác thải, trong đó hơn 6 tấn rác tái chế, gần 4 tấn các loại rác thải khác...
Ngay từ khi triển khai thực hiện, mô hình đã tổ chức các buổi truyền thông đến chị em phụ nữ và các chủ tàu thuyền ở địa phương. Bằng hình thức trực quan sinh động, các buổi truyền thông đã truyền đạt đến các chị em phụ nữ và các chủ tàu thuyền những thông tin về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường cũng như cách phân loại, tái chế rác thải nhựa an toàn cho sức khỏe và thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Từ đó, chị em phụ nữ và các chủ tàu thuyền trở thành những tuyên truyền viên tích cực đến các thành viên trong gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức, thái độ hành vi của người dân về rác thải nhựa.
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Ninh cho biết: Trong những năm qua Hội đã tập huấn, truyên truyền và hướng dẫn các chủ tàu cá ký vận động cam kết thực hiện chương trình đưa rác thải vào bờ. Từ nguồn rác thải đó, được tập hợp và quy đổi ra tiền gây quỹ tình thương giúp trẻ mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đặc biêt. Qua hoạt động thiết thực đưa rác vào bờ này nhằm nâng cao ý thức của ngư dân, góp phần giảm thiểu rác thải vứt bừa bãi trên vùng biển.
Ngư dân chú trọng công tác thu gom rác thải trong quá trình khai thác thủy sản, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển. Ảnh: MP.
Theo các chủ tàu cá tại xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) trước khi đánh bắt xa bờ thì phải chuẩn bị rất nhiều thứ phục vụ cho cuộc sống xa đất liền nhưng chủ yếu các vật dụng đó sử dụng chủ yếu là từ bao bì nilon, các hợp chất nhựa khó phân huỷ. Từ công tác tuyên truyền của các hội địa phương nên ngư dân đã ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường biển tốt hơn bằng cách sử dụng lưới đánh cá hỏng làm thành những chiếc túi đựng rác được đặt sau đuôi tàu mang những vật dụng thải bỏ vào bờ.
Chia sẻ về việc mô hình đã mang lại lợi ích trong việc bảo vệ môi trường cho người dân vùng biển, người dân địa phương cho biết: Từ khi triển khai mô hình, người dân ở đây đã có ý thức hơn rất nhiều về việc đưa rác về bờ. Nhờ vậy mà bãi biển được sạch sẽ an toàn hơn hẳn. Đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan, đồng thời cũng là bảo vệ sức khỏe cho chính người dân vùng biển. Trung bình nếu khai thác ở vùng biển xa phải mất nửa tháng mới cập bờ nên anh em nhắc nhở nhau sau khi sử dụng và có rác thải thì không vứt ra biển mà phải thu gom, để gọn mang về đất nước, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết: Chi cục sẽ tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động ngư dân tham gia mô hình thu gom rác thải trên tàu cá nhân rộng trên toàn địa bàn tỉnh. Qua chương trình vận động này, nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường biển và nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường biển.
Trước đó, vào tháng 12 năm 2019 Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành quyết định số:1746/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Mục tiêu, cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Cụ thể, đến năm 2030 giảm 75% lượng nhựa thải ra đại dương; 100% ngư cụ khai thác thuỷ sản bị mất hoặc vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển.
Nguyễn Hoàng
Bình luận