Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ bảy, 30/11/2024 06:11
TMO - Thời gian qua, các cấp hội, chính quyền địa phương tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của chính mình cũng như môi trường tự nhiên.
Đáng chú ý, Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” đã thu hút đông đảo người dân tỉnh Tuyên Quang tham gia, tìm hiểu các mô hình chăn nuôi bảo vệ môi trường. Cụ thể, chỉ trong tháng 10, hơn 60 cán bộ, hội viên nông dân các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương đã có buổi tham quan, học tập mô hình chăn nuôi giun trùn quế tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Đây là một trải nghiệm đối với các hội viên nông dân có niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường.
Theo chia sẻ của người dân nuôi trùn quế, sau quá trình chăn nuôi trâu bò, nhận thấy chất thải từ động vật gây ô nhiễm môi trường, người dân đã tìm hiểu mô hình nuôi giun trùn quế để phân hủy chất thải chăn nuôi, vừa kiếm thêm thu nhập từ bán giun, phân hữu cơ của trùn.
Sau quá trình thử nghiệm, toàn bộ phế thải của đàn trâu, bò của các gia đình tham gia mô hình được tận thu để nuôi giun trùn quế. Từ ngày nuôi giun, môi trường chuồng trại của người dân được cải thiện rõ rệt, không mùi hôi thối. Đặc biệt, trùn quế còn cho thu nhập kinh tế cao, mỗi năm thu được từ 500-700 tấn trùn quế.
Bên cạnh đó, chính quyền Tuyên Quang còn tích cực tập huấn cho người dân tham gia các lớp xử lý rác, bảo vệ môi trường. Nhiều hộ gia đình ở phường Tân Hà (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã được tham gia lớp tập huấn về phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Sau đó, áp dụng phương pháp nuôi sâu canxi, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày. Theo chia sẻ của người dân, trước đó thông thường các hộ gia đình nuôi gà theo cách truyền thống, mặc dù có rải trấu, dọn vệ sinh hàng tuần, nhưng chuồng trại vẫn có mùi hôi.
Từ khi chuyển sang nuôi gà trên đệm lót sinh học, người dân vẫn sử dụng các phụ phẩm như rơm, trấu nhưng kết hợp với phun dung dịch men vi sinh giúp phân giải phân, tiêu diệt sự phát triển của các vi sinh vật có hại. Nhờ đó, chuồng trại không mùi hôi. Sau 6 tháng, người chăn nuôi mới phải dọn chuồng, công việc chăn nuôi đỡ vất vả hơn hẳn.
Để xây dựng quy trình khép kín trồng trọt, chăn nuôi, người dân nuôi thêm sâu canxi. Thức ăn của sâu canxi là phụ phẩm thải ra từ rau, củ, quả. Ngược lại sâu canxi lại là thức ăn đầy bổ dưỡng cho gà. Nhờ đó, đàn gà sinh trưởng khỏe mạnh, giảm được chi phí thức ăn.
Chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học giúp giảm mùi hôi, tiêu diệt vi sinh vật có hại. (Ảnh minh hoạ).
Mô hình chăn nuôi này theo một vòng tuần hoàn, mang lại lợi ích kép, phế thải nông nghiệp nuôi sâu canxi, sâu canxi dùng để chăn nuôi gà, phế thải phân gà bón cây trồng. Như vậy, người dân vừa tiết kiệm chi phí để mua thức ăn chăn nuôi, con vật cũng lớn nhanh hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Với những mô hình chăn nuôi hiệu quả, tuần hoàn đã góp phần lớn vào công tác bảo vệ môi trường tự nhiên, hạn chế xả thải chất thải từ động vật.
Những mô hình chăn nuôi tuần hoàn của người dân tỉnh Tuyên Quang cho thấy Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” đã tích cực được triển khai.
Được biết Dự án được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Tuyên Quang. Do đó, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã lựa chọn 9 xã, phường, thị trấn thuộc 3 huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa và TP Tuyên Quang triển khai thực hiện dự án.
Mục tiêu của dự án là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nông dân tại địa phương về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; xây dựng và nhân rộng các mô hình về chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người nông dân.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau hơn 2 năm triển khai, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức 2 khóa đào tạo giảng viên nguồn cho cán bộ, hội viên nông dân nòng cốt thuộc các địa phương tham gia Dự án; tập huấn gần 2.000 hội viên nông dân; tổ chức 4 chuyến tham quan, học tập mô hình nuôi sâu canxi, trùn quế trong và ngoài tỉnh.
Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng được gần 300 mô hình áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường, như kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, nuôi sâu canxi, trùn quế, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học với hàng nghìn hộ dân tham gia. Việc triển khai Dự án đã giúp người nông dân trên địa bàn tỉnh biết cách phân loại, xử lý rác thải, giảm tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch.
Từ đó từng bước giải quyết tình trạng lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi; tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm phân bón hóa học, giảm nhân công lao động và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, 100% các huyện, thành phố thực hiện mô hình “Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch” nội dung trọng tâm là không đốt rơm rạ, xử lý gốc rạ tại ruộng bằng chế phẩm sinh học.
Người dân Tuyên Quang tích cực vệ sinh đường làng, trồng cây xanh bảo vệ môi trường. (Ảnh minh hoạ: TN).
Đặc biệt, 4 xã, trong đó có 2 xã ngoài Dự án đăng ký đến năm 2028 xây dựng mô hình “Toàn diện về bảo vệ môi trường” trên cơ sở áp dụng 5 kỹ thuật xử lý phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của dự án và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn. Thành công của dự án chính là thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp từ truyền thống sang phương pháp chăn nuôi, canh tác mới, thân thiện với môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Thực tế cho thấy, để công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường tại Tuyên Quang nhận được sự đồng tình, tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến nhận thức của người nông dân, do đó, đòi hỏi các cấp Hội Nông dân cũng như chính quyền địa phương, phải có kế hoạch tổ chức bài bản, cụ thể, chi tiết; phải gắn với nhu cầu thực tế đời sống sinh hoạt, sản xuất của từng hội viên, nông dân, gia đình, địa bàn và cần sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nông thôn, trong gian tới, tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là các cấp Hội Nông dân tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao nhận thức về môi trường. Cùng với đó là khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, khoanh vùng khu trồng trọt, chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết, khép kín để hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nông thôn, từ đó hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
Vũ Minh
Bình luận