Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ tư, 13/12/2023 07:12
TMO - Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình, hoạt động bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Nhờ vậy, diện mạo nhiều làng quê ngày một đổi mới, đời sống người dân được nâng cao.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thì có thể nói tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17) là một trong những tiêu chí khó đạt và khó giữ bền vững, những khó khăn liên quan đến nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Tiêu chí 17 với 5 nội dung chủ yếu, đó là: tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Do đó, kể cả các địa phương đã hoàn thành tiêu chí này, nhưng để đạt chuẩn và tiến tới nâng cao chất lượng là một nhiệm vụ rất khó khăn.
Hiện nay, trước sức ép của việc phát triển mạnh của các ngành kinh tế và gia tăng dân số, cùng với tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra nhanh hơn dự đoán đã làm cho các thách thức càng trở nên hiện hữu và nguy hiểm hơn. Nhiều vấn đề về tài nguyên nước, về môi trường trước đây chỉ tiềm ẩn ở dạng nguy cơ thì có thể trở thành hiện thực nhanh hơn. Biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước và môi trường càng trở nên khó lường; từ đó dẫn đến công tác bảo vệ môi trường, nhất là hoàn thiện theo chuẩn và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM càng khó khăn hơn.
Bảo vệ cảnh quan môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai. Ảnh: BTN.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh đã có 114/126 (90,48%) xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh có 752 trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và 595 trang trại quy mô nhỏ, 277 làng nghề thuộc danh mục làng nghề khuyến khích phát triển. 44/57 trang trại chăn nuôi quy mô lớn được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, trong đó 5 trang trại được cấp giấy phép môi trường, 27% trang trại có quy mô vừa được phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường.
Công tác bảo vệ môi trường đối với trang trại, làng nghề tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều trang trại chăn nuôi, làng nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ môi trường theo quy định và hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân với 190/277 làng nghề được phê duyệt đề án bảo vệ môi trường hoặc phương án bảo vệ môi trường: 87 277 làng nghề có cam kết bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, năm 2023, tỉnh Thái Nguyên ước tính có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đại Từ và huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 118/126 xã, đạt 93,65%; 6/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 66,67%. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chí của xã nông thôn mới, việc triển khai Chương trình tại Thái Nguyên thời gian qua tập trung vào việc thực hiện hỗ trợ dự án liên kết phát triển sản xuất, phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống trong xây dựng nông thôn mới, tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự..
Tỉnh quan tâm đầu tư xây mới và sửa chữa các công trình cấp nước sạch tại các xã về đích NTM; tập trung tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng đúng cách; xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, phân loại rác thải, xử lý chất thải chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường…
Đảm bảo vệ môi trường tại các khu vực thu gom chất thải được các địa phương tăng cường tuyên truyền.
Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chú trọng triển khai các nhiệm vụ: Về cấp nước sạch nông thôn, tỉnh sẽ đánh giá hiện trạng các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bà; xây dựng kế hoạch chi tiết vả lộ trình cụ thể để nâng cấp, cải tạo, mở rộng đối với các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn. X
Xây dựng và ban hành quy định quy trình quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước sau đầu tư. Đặc biệt, tập trung nguồn lực thực hiện các dự án cấp nước nước sinh hoạt tập trung nông thôn giai đoạn 2022- 2025 theo Nghị quyết 21/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Về chất thải rắn sinh hoạt, Thái Nguyên sẽ xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện đề án kế hoạch cấp huyện về tổ chức thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phù hợp với đặc thù của địa phương, đảm bảo thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Đầu tư phương tiện, trang thiết bị phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển, thiết kế cung tuyến vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo thu gom triệt để chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn các huyện, thành phố.
Đồng thời, đánh giá hiện trạng xử lý chất thải rắn thải sinh hoạt tại các khu vực xử lý chất thải tập trung trên địa bàn các huyện, thành phố; xem xét, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và hạn chế dần việc chôn lập trực tiếp. Nghiên cứu, quy hoạch khu xử lý chất thải sinh hoạt tập trung liên vùng cấp tỉnh để để ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, thu hồi năng lượng, tài nguyên từ chất thải; thiết kế mạng lưới vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt liên huyện để đảm bảo đáp ứng nguyên liệu cho khu xử lý.
Tỉnh cũng sẽ xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh. Rà soát, thống kê, đánh giá tình trạng hoạt động, hiệu quả hoạt động và hiệu quả xử lý nước thải, khí thải của các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt đã được đầu tư. Xây dựng kế hoạch, sớm dỡ bỏ, thay thế, di dời hoặc cải tạo nâng cấp các lò đốt không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Thí điểm xây dựng, triển khai và hoàn thiện 1- 2 mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ chất thải quy mô cấp xã.
Đối với nước thải sinh hoạt, tỉnh sẽ rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện và xử lý nước thải sinh hoạt của các xã trên địa bàn tỉnh. Triển khai số mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn áp dụng công nghệ sinh thái, chi phí thấp; mô hình thu phí xử lý nước thải sinh hoạt ở khu dân cư nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn phù hợp đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường với từng làng nghề, tập trung vào các làng nghề thuộc nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và sản xuất đồ gỗ, mỹ nghệ. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng mô hình khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm.
Ngoài ra, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát của cộng đồng về an toàn thực phẩm; xây dựng một số mô hình mẫu tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực về tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm cho chủ thể sản xuất; xây dựng các mô hình chợ đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thu Minh
Bình luận