Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ tư, 30/03/2022 21:03
TMO - Theo dự báo của các ngành chức năng, diễn biến hạn, mặn năm nay hết sức khó lường. Rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn những năm trước, gần đây, nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm ứng phó với thời tiết xấu vào mùa khô, góp phần đẩy lùi mặn và chủ động nguồn nước tưới tiêu.
Mới đây, công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Tiền Giang) đã được khánh thành. Công trình cách cửa biển hơn 10km, như một bức tường thành khổng lồ chắn ngang con sông Cái Lớn. Siêu dự án hoàn thành góp phần hỗ trợ tích cực cho người dân ở 5 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng sản xuất thuận lợi trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra ngày càng khốc liệt.
Siêu dự án cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé hoàn thành giúp nhiều địa phương sản xuất thuận lợi trước tác động biến đổi khí hậu
Đầu tháng 2-2021, một hợp phần của dự án là cống Cái Bé đã vượt tiến độ đưa vào vận hành sớm hơn một mùa khô, cống Cái Lớn hoàn thành vào tháng 7-2021 và cống Xẻo Rô hoàn thành tháng 10-2021. Nhờ đó kịp thời bảo vệ khoảng 20.000ha đất sản xuất của hai tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang, giúp tỉnh Kiên Giang tiết kiệm hàng chục tỷ đồng nhờ không phải đắp hơn 130 đập tạm..
Tại tỉnh Sóc Trăng, âu thuyền Ninh Quới là một công trình lớn, giúp chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho hàng trăm nghìn héc-ta đất trồng lúa, rau màu của người dân ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Sau hai năm công trình được đưa vào vận hành đã giúp các trà lúa của nông dân 3 địa phương trên an toàn, bảo đảm có được nguồn nước ngọt đến cuối vụ. Nông dân luôn an tâm khi sản xuất dù vào những tháng cao điểm mùa hạn.
Cống âu thuyền Ninh Quới phát huy hiệu quả cao ngăn mặn, trữ ngọt tại Sóc Trăng, Hậu Giang và Bạc Liêu
Cùng với các công trình, dự án ngăn mặn, trữ ngọt đang phát huy hiệu quả thời gian qua, để hạn chế những tác động của hạn, mặn đến đời sống sản xuất của người dân ngay từ mùa khô năm 2022, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp ứng phó, chủ động trong việc tích ngọt, ngăn mặn cũng như cơ cấu vụ mùa thích hợp. Các địa phương chịu hạn mặn nặng nề tại tỉnh Sóc Trăng đã chuyển đổi sản xuất cây trồng thích ứng với điều kiện thời tiết.
Nông dân tại tỉnh Kiên Giang chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ngô
Trước thực trạng hạn hán và mặn xâm nhập diễn ra thường xuyên, khốc liệt hơn, những năm gần đây, các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai các biện pháp cần thiết để chủ động nguồn nước như: Nghiên cứu đề xuất quy hoạch hệ thống thủy lợi, trạm bơm, cống, nạo vét kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến.
Đồng thời quy hoạch trữ nước trong các ao, kênh, rạch; hướng dẫn hộ dân vùng khó khăn về nước sạch đào ao, giếng, trang bị bồn chứa, túi chứa... tích trữ nước ngọt vào mùa mưa, sử dụng trong mùa khô...Riêng với người dân cũng ngày càng linh động, phản ứng nhanh với thông tin, dự báo hạn hán, mặn xâm nhập.
Theo dự báo từ Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê Công tại trạm Kratie (Campuchia) và tại Tân Châu (Châu Đốc, An Giang) trong tháng 2 và tháng 3-2022, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập sâu 50-65km. Từ tháng 4-2022, mặn xâm nhập có xu thế giảm dần.
Việc sản xuất ở khu vực mặn lẫn ngọt tại vùng ven biển các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có thể bị ảnh hưởng. Mặn bất thường, hạn hán gây thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa được kiểm soát mặn triệt để. Để đề phòng những rủi ro do hạn, mặn gây ra, cùng với các giải pháp đã và đang mang lại hiệu quả, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý.
Thúy An
Bình luận