Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 11:01
Thứ năm, 14/11/2024 12:11
TMO - Theo thống kê của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) sau cơn bão số 3, cả nước có hơn 400 hồ chứa bị hư hỏng nặng chưa được sửa chữa nâng cấp. Do đó, nếu không được xây dựng phương án, khi có tình huống sẽ rất bị động trong công tác ứng phó.
Hệ thống hồ thủy lợi ở Việt Nam rất lớn nhưng nhiều hồ đã tồn tại 100 năm, 50 năm… mà chưa có quy định lúc nào dừng khai thác. Hiện hồ chứa có dung tích thật và dung tích thiết kế khác nhau nhiều...
Thống kê của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, sau cơn bão số 3, cả nước có hơn 400 hồ chứa bị hư hỏng nặng (62 hồ lớn, 113 hồ vừa, 233 hồ nhỏ) chưa được sửa chữa nâng cấp. Đại diện Cục Thủy lợi cho biết, cả nước đã xây dựng 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi, trong đó có 6.723 hồ chứa với tổng chiều dài đập khoảng 1.182km, tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3.
Các hồ chứa thủy lợi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ và phục vụ đa mục tiêu như cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch… Theo báo cáo của Cục Thủy lợi, sau đợt mưa lũ vừa qua, một số tồn tại về lòng hồ, vùng hạ du đập cũng như công tác vận hành bộc lộ rõ hơn.
Hiện mới có 17% số hồ được xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; 5% số hồ được xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du. Với các hồ chứa, đặc biệt hồ lớn, hạ du đông dân cư nếu không được xây dựng phương án, khi có tình huống sẽ rất bị động trong công tác ứng phó. Đại diện Cục Thủy lợi cho rằng cần có giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách, trước các thách thức về mưa lũ cực đoan diễn biến khó lường trong bối cảnh biến đổi khí hậu, áp lực từ các hoạt động dân sinh, phát triển kinh tế ở thượng nguồn cũng như vùng hạ du đập và áp lực thực hiện nhiệm vụ khai thác đa mục tiêu hồ chứa.
Cục Thủy lợi sẽ tham mưu Bộ NN&PTNT phối phối hợp với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần rà soát, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, định mức, định mức khai thác - khai thác phục vụ khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành đập, hồ chứa nước phù hợp với các điều kiện.
Đồng thời, Cục Thủy lợi sẽ làm việc với các Cục, vụ khác thuộc Bộ để nghiên cứu tháo gỡ khó khăn liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ; thay đổi nhiệm vụ, thông số kỹ thuật công trình; xử lý công trình hết tuổi thọ, không còn nhu cầu sử dụng, hư hỏng nặng không thể sửa chữa phục hồi…Lãnh đạo Cục Thủy lợi, cũng chia sẻ, cần tăng cường năng lực dự báo, xây dựng các hệ thống quan trắc ở vùng thượng lưu và các hồ chứa để hỗ trợ phân tích thủy văn.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các công cụ hỗ trợ ra quyết định trong vận hành hồ chứa là cần thiết để chủ động dự báo nguồn nước và đưa ra kịch bản cắt lũ, xả lũ phù hợp, đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu. Mặc dù nguồn ngân sách còn hạn chế, các quy định pháp luật hiện nay đã khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào các hệ thống dự báo, hỗ trợ vận hành hồ chứa thủy lợi và thủy điện.
Việc đảm bảo quy trình vận hành hồ chứa rất quan trọng trong công tác quản lý và ứng phó thiên tai. (Ảnh minh hoạ).
Đây là nguồn lực quan trọng để cải thiện công tác quản lý và ứng phó thiên tai trong tương lai. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, trong bức tranh toàn cảnh, số lượng hồ chứa thủy lợi nhiều nhưng dung tích chứa nước chỉ bằng 30% so với hồ thủy điện. Bên cạnh đó, việc quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi gặp một số khó khăn và vướng mắc như chưa có luật quy định dừng khai thác đối với những hồ chứa có thời gian dài vận hành; dung tích thật và dung tích thiết kế hồ chứa có chệnh lệch sau khảo sát...Đây là vấn đề lớn mà Bộ NN&PTNT đang làm việc với Cục Thủy lợi và các cơ quan liên quan tìm kiếm giải pháp.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng việc vận hành hồ thủy lợi hiện nay nhấn mạnh yếu tố đa mục tiêu. Hồ chứa thủy lợi không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn phục vụ các ngành khác, không chỉ có chức năng tích nước, xả nước, tưới nước mà còn phục vụ hoạt động kinh tế.
Ngoài ra, hồ thủy lợi phải đảm bảo sự an toàn, hồ có dung tích cắt lũ phải vận hành để cắt lũ…Đặc biệt, qua bão số 3 đòi hỏi quy trình trong vận hành hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa liên vùng. Rất nhiều vấn đề đặt ra trong các quyết định và cách vận hành hồ chứa thủy lợi hiện nay để đảm bảo đa mục tiêu, vận hành hiệu quả.
Qua cơn bão số 3, vấn đề cần đặt ra là cần năng cao năng lực dự báo, độ chính xác trong dự báo. Từ đó đưa ra được các kịch bản vận hành; xả lũ nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hạn chế ngập lụt cho hạ du mà vẫn giữ được lượng nước trong hồ để đảm bảo nhu cầu cho sản xuất khi vào mùa khô.
Cùng với đó là rà soát lại các quy trình vận hành, tiêu chuẩn quy chuẩn trong thiết kế xây dựng các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa lâu năm. Đánh giá lại dung tích các hồ chứa này để xác định quy mô, nhiệm vụ công trình trước các tình huống cực đoan của thời tiết. Các hồ chứa cũng phải đảm bảo đa mục tiêu, nhất là đảm bảo cho sản xuất, dân sinh và an toàn.
Mai Đào
Bình luận