Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ bảy, 23/09/2023 06:09
TMO - Theo dự báo, mùa khô 2023-2024 ở Nam Bộ, xâm nhập mặn sẽ đến sớm và nghiêm trọng tương đương mùa khô năm 2015-2016, có khả năng vùng hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiếu nước, hạn hán.
Tổng Cục Khí tượng Thủy văn cho biết, khu vực Nam Bộ là nơi có thời tiết ôn hòa nhất trên cả nước thì đến nay, cũng đang phải đối mặt với những thách thức và chịu tổn thương từ nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt như hạn hán, xâm nhập mặn trong các năm 2015 - 2016 và các năm 2019 - 2020. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Bến Tre cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự điều tiết nguồn nước từ các quốc gia thượng nguồn sông Mekong, vấn đề này đã và đang đặt ra những thách thức đối với các cơ quan chuyên ngành, chính quyền địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước hợp lý phục vụ phát triển kinh - tế xã hội.
Hiện nay, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Dự báo hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì tới các tháng đầu năm 2024 với xác suất khoảng 85-95%. Trên lưu vực sông Mekong được dự báo ít có khả năng xuất hiện mưa lớn, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ ở mức thấp. Trong các tháng mùa khô 2023 - 2024 nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL.
Hạn mặn ở Nam Bộ có thể đến sớm với mức độ nghiêm trọng nhất là tại các tỉnh ĐBSCL cần triển khai đồng bộ giải pháp ứng phó như nạo vét, khơi thông nguồn nước mùa khô. Ảnh: PB.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, từ nay đến đầu tháng 10.2023, ở hạ lưu sông Mekong có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ nhỏ. Từ cuối tháng 10.2023 đến tháng 3.2024, mực nước sông Mekong xuống dần. Tổng lượng chảy trong mùa khô năm 2023 - 2024 từ thượng nguồn sông Mekong đổ về hạ lưu và ĐBSCL thiếu hụt từ 20 - 25% so với trung bình nhiều năm. Trong khi tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn đổ về.
Do đó, mùa khô năm nay, xâm nhập mặn tại ĐBSCL sẽ tiếp tục ở mức sâu hơn, gay gắt hơn. Trong một số thời điểm, một số nhánh sông sẽ bị xâm nhập mặn tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015 - 2016. Cụ thể, trên vùng ven sông Vàm Cỏ (Long An), độ mặn cao nhất diễn ra vào tháng 4.2024, độ mặn 4 g/l xâm nhập sâu đến 120 km, tính từ cửa sông. Trên vùng cửa sông Tiền, vào tháng 3.2024, độ mặn 4 g/l sẽ lấn sâu vào nội đồng đến 75 km. Trên vùng cửa sông Hậu, ranh mặn từ 3 - 5 g/l sẽ lấn sâu khoảng 60 km, tính từ cửa sông, vào tháng 3.2024.
Tại khu vực miền Đông Nam Bộ, hiện tượng El Nino sẽ kéo dài đến đầu năm 2024. Năm nay, nắng nóng ở khu vực Nam Bộ có lúc trên 39 độ C và nhiệt độ này chưa từng xảy ra tại khu vực Nam bộ trong nhiều năm trước. Các địa phương và người dân trên khu vực cần có những biện pháp để chủ động và giảm thiểu các rủi ro do thời tiết gây ra. Cụ thể, dự trữ nước ngọt trong sinh hoạt và trong sản xuất; chủ động trong việc xuống giống sớm.
Người dân tại vùng ĐBSCL cần triển khai giải pháp như tưới nước tiết kiệm để đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp trước nguy cơ hạn mặn. Ảnh: MK.
Tại tỉnh Bến Tre, qua thực hiện công tác phòng chống, ứng phó với hạn mặn mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020, địa phương này nhận thấy cần huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, huyện đến xã và toàn thể nhân dân. Phải thực hiện đồng bộ cả 2 giải pháp công trình và phi công trình. Đặc biệt là vai trò tích cực, chủ động của người dân trong thực hiện các giải pháp phòng chống, ứng phó đối với hạn hán, xâm nhập mặn là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, địa phương cũng cần phải nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo tình hình xâm nhập mặn; trong đó, chú trọng thực hiện dự báo sớm, dài hạn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và khuyến cáo lịch thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tránh bị động; đồng thời, phải bố trí lịch thời vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương trong điều kiện hạn mặn.
Từng bước xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng cao, hiện đại, thích nghi tốt với biến đổi khí hậu và chống chịu được với tình hình hạn mặn diễn biến ngày càng gay gắt. Phát huy tính sáng tạo trong nhân dân, nhân rộng các mô hình hay, các biện pháp trữ nước ngọt, tưới tiết kiệm nước; khuyến khích người dân tự trang bị máy đo mặn để theo dõi diễn biến mặn và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cao vào quá trình sản xuất nông nghiệp.
Nâng cao tính chủ động, tích cực trong việc trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức, phương tiện ngay trong mùa mưa để đảm bảo nhu cầu về nước uống, sinh hoạt và chăn nuôi trong mùa hạn mặn. Hơn nữa, phải huy động tối đa các nguồn lực trong việc đầu tư xây dựng công trình phòng chống hạn mặn, từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh; hỗ trợ dụng cụ trữ nước cho những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ thiệt hại để người dân có điều kiện khôi phục sản xuất.
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thậm chí diễn ra nhanh hơn, khó lường hơn nhiều so với dự báo. Việc quản lý, sử dụng nước ngọt hợp lý, phục vụ sản xuất, sinh hoạt là vấn đề cấp thiết đặt ra. Hội nghị nhận ý kiến việc cung cấp thông tin khí tượng thủy văn, các yêu cầu về dự báo khí tượng thủy văn phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai; phục vụ lĩnh vực chuyên ngành cho các địa phương, các doanh nghiệp, người dân khu vực Nam Bộ. Cung cấp thông tin thời tiết, nguồn nước và thiên tai cho các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình các địa phương thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng đối với công tác phòng, chống thiên tai...
Minh Tân
Bình luận