Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ ba, 23/04/2024 07:04
TMO - Nắng hạn kéo dài trên địa bàn tỉnh Bình Phước khiến nguồn nước từ các ao, hồ cạn kiệt, hàng nghìn ha cây trồng khô héo, có nguy cơ chết khô.
Nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh Bình Phước từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024 vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Phước, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng. Khoảng thời gian nắng nóng nhất trong ngày từ 12h00 đến 16h00, nhiệt độ giao động từ 35 độ C-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Nguồn nước ở các hồ thủy lợi, ao, sông suối khắp nơi trong tỉnh bị khô cạn, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất và đời sống sinh hoạt của nông dân. Tình trạng thiếu nước tưới đã khiến các loại cây trồng như bưởi, sầu riêng, cà phê bị khô bông, rụng trái.
Bình Phước có tổng diện tích mặt nước khoảng trên 28.300 ha. Trong đó, diện tích mặt nước trên các sông, suối, kênh, rạch gần 7.200 ha, còn lại là ao, hồ. Là tỉnh có địa thế cao nên Bình Phước khó tích trữ nước, trong khi nắng hạn lên tới 350C-370C khiến tỷ lệ nước bốc hơi càng cao. Theo tính toán của ngành chức năng, mỗi ngày nắng nóng trên địa bàn tỉnh sẽ làm bốc hơi khoảng 164.000m3, khiến nguồn nước càng cạn kiệt.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh Bình Phước có 76 công trình thủy lợi. Trong đó, có 65 hồ chứa, 9 đập dâng, 1 trạm bơm và 1 hệ thống kênh thủy lợi đang vận hành khai thác. Năng lực thiết kế tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp là 9.286 ha. Báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bình Phước tính đến ngày 20/4, mực nước các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuống thấp so với mực nước dâng bình thường.
Trong đó, hồ Đa Bông Cua giảm 4,5m, hồ Bù Ka giảm 2,73m, hồ Bù Tam giảm 2,6m, hồ Đăk Tol và hồ Đăk Liên giảm 2,3m. Dung tích còn lại của các hồ chứa giảm 33,4% so với tổng dung tích, 8 hồ có dung tích còn lại dưới 50%. Hiện tại, mực nước các công trình thủy điện chính trên Sông Bé đều thấp hơn mực nước dâng bình thường. Cụ thể, công trình thủy điện Thác Mơ thấp hơn 6,11m; Cần Đơn thấp hơn 1,12m và Srok Phu Miêng thấp hơn 1,13m.
Nhiều ao, hồ trên địa bàn huyện Bù Đăng cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: LT.
Theo ước tính, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán trên địa bàn tỉnh là hơn 10.170 ha, trong đó cây ăn trái và cây lâu năm 7.962ha, cà phê 1.714ha, lúa 215ha, tiêu 146ha, cây hàng năm khác 135ha. Thiếu nước tưới khiến cây trồng cạn kiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Khô hạn kéo dài khiến nhu cầu nước sinh hoạt của người dân tăng cao.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, hạn hán kéo dài từ đầu năm đến nay đã khiến 12/41 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ngưng hoạt động, tổng số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt là 3.195 hộ, tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng hơn 10.171 ha... Trong tháng 4, tỉnh Bình Phước có thêm huyện Bù Đốp bị ảnh hưởng bởi hạn hán, nâng tổng số địa phương bị ảnh hưởng hạn hán lên 8/11 huyện, thị trấn. Để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như: huy động xe chở nước miễn phí cho người dân, đào giếng mới, sử dụng nước giếng khoan dự trữ... Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân.
Tại huyện Bù Gia Mập, đến nay đã gần 5 tháng không có mưa, hàng nghìn ha cây trồng bị thiếu nước. Nhiều nông dân loay hoay tìm giải pháp cứu vườn cây nhưng đành bất lực. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay huyện Bù Gia Mập đã có hơn 5,7 nghìn héc-ta cây trồng thiếu nước, tập trung chủ yếu ở cây điều, tiêu, cà phê và các loại cây ăn trái. Nếu nắng hạn còn kéo dài, thời gian tới diện tích cây trồng thiếu nước tưới dự kiến tăng lên hơn 10.000 ha. Trong đó, xã Phú Nghĩa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 5.700 ha, xã Bù Gia Mập khoảng 3.700 ha. Không chỉ thiếu nước sản xuất, nắng hạn kéo dài còn khiến gần 1.000 hộ dân trên địa bàn huyện Bù Gia Mập thiếu nước sinh hoạt. Con số này dự kiến tăng lên 1.500 hộ nếu thời tiết không có mưa trong những ngày tới.
Tại huyện Bù Đăng, trên địa bàn 3 xã Thọ Sơn, Phúc Sơn và Phú Sơn hàng nghìn héc ta tiêu, cà phê, sầu riêng, bơ… của bà con nông dân hiện có dấu hiệu chết khô vì thiếu nước. Do thiếu nước cây bị khô bông, rụng trái, héo lá… buộc một số hộ gia đình phải xoay xở gần trăm triệu đồng đầu tư thêm giếng khoan sâu hơn 100 mét cùng hệ thống điện năng lượng mặt trời để phục vụ tưới tiêu với hi vọng cứu được cây.
Kinh tế người dân tại các địa phương trên chủ yếu phụ thuộc vào cây trồng. Tuy nhiên, với địa hình nhiều đồi dốc, vườn cây trên cao, nước ngầm ở sâu, vào mùa khô mực nước ngầm lại càng sâu và hiếm hơn. Do đó, hàng ngàn héc ta cây trồng tại hai địa phương đang bị ảnh hưởng rất nặng bởi đợt hạn hán, người nông dân đứng trước vụ mùa mất trắng, thậm chí làm lại từ đầu.
Nhiều diện tích cà phê có nguy cơ chết khô do không có nguồn nước tưới. Ảnh: LT.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xác định các khu vực hạn hán, thiếu nước để đưa ra phương án ứng phó kịp thời, hợp lý; sử dụng các kết quả bản đồ đánh giá rủi ro thiên tai để xác định các vị trí có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước; tăng cường công tác dự báo, tăng độ chính xác của bản tin dự báo; sử dụng các công nghệ tiên tiến cảnh báo sớm; thông tin, tuyên truyền, cảnh báo sớm đến người dân các khu vực có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước. Các đơn vị tiến hành quy hoạch sử dụng đất; chuyên đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với diễn biến của hạn hán; tăng cường nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Khi xảy ra hạn hán trên diện rộng, các địa phương cần thực hiện quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng thường xuyên bị hạn; lựa chọn các loại cây trồng cạn ngắn ngày có khả năng chịu hạn, sử dụng ít nước đề gieo trồng trên đất lúa (như: đậu đỗ, ngô, mì...), dừng gieo trồng ở một số khu vực không đảm bảo về nguồn nước tưới để tránh thiệt hại. Các địa phương, đơn vị cần vận hành hợp lý, tiết kiệm nguồn nước ở các công trình thủy lợi, các hồ chứa nước thủy điện, các công trình cấp nước; tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, thiết lập các trạm bơm dã chiến, bơm chuyền, đào ao, giếng nông để lấy nước tưới cho cây trồng; sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm như: tưới phun mưa, tưới luân phiên...; ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt của người dân, sau đó đến chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, sản xuất công nghiệp, sản xuất điện.
Ngoài ra, tỉnh Bình Phước còn đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thiếu nước uống, nước sinh hoạt, thiếu đói, bệnh tật do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh, triển khai các biện pháp tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; hướng dẫn người dân khắc phục tình trạng thiếu nước các giếng đào, giếng khoan của hộ gia đình để đảm bảo cấp nước sinh hoạt. Những vùng thiếu nước sinh hoạt gay gắt, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để tổ chức vận chuyển nước sạch ở nơi khác đến phục vụ cấp nước hỗ trợ cho nhân dân không để thiếu nước uống, sinh hoạt.
Đặc biệt, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không sử dụng nước đục, bẩn để uống, sinh hoạt, tránh ảnh hưởng nguy cơ dịch bệnh do sử dụng nước uống không hợp vệ sinh gây ra; tổ chức điều tiết, vận hành hồ chứa phù hợp với từng tình huống cụ thể; triển khai ứng phó vận dụng phương châm “4 tại chỗ", huy động tổng lực người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời; cứu người trước, cứu tài sản sau, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân; nâng cao nhận thức cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước của toàn dân trên địa bàn tỉnh.
Đức Lâm
Bình luận