Hotline: 0941068156
Thứ ba, 28/01/2025 02:01
Chủ nhật, 29/10/2023 19:10
TMO – Cá nhân tham gia lập đồ án quy hoạch phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc hoặc chứng chỉ hoạt động xây dựng do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp và có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với công việc được đảm nhận.
Theo đó, Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (do Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng dự thảo) đề xuất quy định, nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn do cơ quan có trách nhiệm quy định tại Điều 16 Luật này tổ chức lập. Cơ quan có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch được thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực chuyên môn, phù hợp với yêu cầu để lập nhiệm vụ quy hoạch.
Đồ án quy hoạch phải do tổ chức tư vấn có tư cách pháp nhân, có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, phù hợp với công việc đảm nhận. Cá nhân tham gia lập đồ án quy hoạch phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc hoặc chứng chỉ hoạt động xây dựng do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp và có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với công việc được đảm nhận.
Tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia lập đồ án quy hoạch tại Việt Nam phải đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật của Việt Nam; trường hợp không đăng ký hoạt động thì tổ chức tư vấn nước ngoài khi tham gia lập đồ án quy hoạch phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động. Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, năng lực, trách nhiệm của tổ chức tư vấn, cá nhân tham gia lập đồ án quy hoạch đô thị và nông thôn; thẩm quyền, trình tự cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn lập đồ án quy hoạch; trách nhiệm cấp giấy phép hoạt động lập quy hoạch.
(Ảnh minh họa)
Đối với quy hoạch đô thị và nông thôn, cụ thể hoá quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi lập quy hoạch; bảo đảm công khai, minh bạch và kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân. Dự báo bảo đảm cơ sở khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của đô thị, nông thôn, khu chức năng; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và nông thôn và quy chuẩn khác có liên quan.
Nội dung “Tài nguyên thiên nhiên, môi trường” được quan tâm nhiều hơn
Bảo vệ môi trường, phòng ngừa hiểm họa, rủi ro ảnh hưởng biến đổi khí hậu đến cộng đồng, cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử, bảo vệ các công trình kiến trúc có giá trị và đặc trưng địa phương. Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; không sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp cho mục đích xây dựng; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất xây dựng nhằm tạo ra nguồn lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.
Đồng bộ về không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và không gian ngầm; phát triển hài hoà giữa các khu vực trong đô thị, nông thôn và khu chức năng. Đáp ứng nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội gồm công trình y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, thương mại, công viên, cây xanh, mặt nước và các công trình phục vụ công cộng khác.
Đáp ứng nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, hạ tầng viễn thông thụ động và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác; bảo đảm sự kết nối, thống nhất giữa các hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch và với các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, quốc gia và quốc tế.
Khi lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn phải bảo đảm tính kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các dự án đầu tư đang triển khai. Khi lập, điều chỉnh quy hoạch để cải tạo, chỉnh trang hoặc tái thiết đô thị phải đánh giá đầy đủ về hiện trạng sử dụng đất, công trình hạ tầng xã hội, công trình hạ tầng kỹ thuật và không gian ngầm (nếu có), các yếu tố về văn hóa – xã hội và môi trường của khu vực lập quy hoạch để có giải pháp hợp lý nhằm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đô thị, bảo đảm yêu cầu sử dụng về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; giữ gìn, phát huy được bản sắc, không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị. Khi lập quy hoạch khu đô thị mới phải bảo đảm nguyên tắc sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, gắn kết chặt chẽ giữa khu vực phát triển mới và đô thị hiện có; bảo đảm sự đồng bộ và hoàn thiện về hệ thống các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ của đô thị; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ bản sắc, đặc trưng của các khu vực.
Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quy hoạch đô thị
Quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và định hướng lãnh đạo công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Luật Quy hoạch đô thị được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010, Sau hơn 10 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị cho thấy hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn cơ bản được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị, nông thôn và khu chức năng, khai thác hiệu quả sử dụng đất, góp phần nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống của người dân, đóng góp vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện. Từ thực tiễn và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới cho thấy việc ban hành Luật điều chỉnh về Quy hoạch đô thị và nông thôn là hết sức cần thiết, làm công cụ pháp lý có hiệu lực, hiệu quả cao, đồng bộ, thống nhất nhằm điều chỉnh toàn diện các hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Theo Bộ Xây dựng, mục đích xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo công cụ pháp lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực cao để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn. Phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức, cá nhân và xã hội trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; đảm bảo lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.
TÚ QUYÊN – BÙI HOÀNG
Bình luận