Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 12:11
Thứ bảy, 17/08/2024 06:08
TMO - Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp để thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường TP.Hải Phòng, đến hết năm 2023 chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại 7 quận có tổng khối lượng khoảng 910 tấn/ngày; tại 8 huyện khoảng 790 tấn/ngày. Như vậy, mỗi ngày thành phố phải thu gom, xử lý hơn 1700 tấn rác thải sinh hoạt.
Toàn thành phố hiện có 26 đơn vị tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tại khu vực đô thị, năng lực, tình trạng trang thiết bị, phương tiện của 4 đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Tại khu vực đô thị, công tác thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể, tại khu vực nội thành, rác thải sinh hoạt được thu gom bởi Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị, chiếm khoảng 80%. Còn lại là được thu gom bởi Công ty TNHH MTV Công trình công cộng và dịch vụ du lịch Hải Phòng (thu gom tại quận Đồ Sơn và một phần tại quận Dương Kinh); Công ty TNHH MTV Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng thu gom tại địa bàn quận Kiến An; HTX Môi trường và dịch vụ thương mại Thành Vinh thu gom tại địa bàn quận Dương Kinh.
Rác thải sinh hoạt khu vực đô thị được thu gom, xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tràng Cát có diện tích 44ha, tiếp nhận khoảng 500-650 tấn/ngày; Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ có diện tích 15,6 ha, tiếp nhận khoảng 350-450 tấn rác/ngày; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh có diện tích 36,5 ha, công suất 630 tấn/ngày.
Tại khu vực nông thôn, dụng cụ, phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cũ, thiếu, phần lớn là phương tiện hoán cải, tự chế, chưa phù hợp với quy trình thu gom bằng công nghệ hiện đại, gây khó khăn trong việc khảo sát, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá. 92 bãi rác tạm chủ yếu chôn lấp đơn giản, không hợp vệ sinh, chưa đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường, thường xuyên đối mặt với sự quá tải, nguy cơ ô nhiễm cao, làm tiêu tốn nhiều diện tích đất. Công tác quản lý và thực hiện vệ sinh môi trường ở một vài địa phương chưa quyết liệt, để phát sinh nhiều bãi rác nhỏ tự phát…
Rác thải nông thôn chủ yếu do các tổ thu gom của các thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn đảm nhiệm, mỗi tổ có 2-3 lao động thực hiện bằng các xe đẩy tay hoặc xe kéo về các bãi rác tạm hoặc lò đốt để xử lý. Trong số 790 tấn rác/ngày, có khoảng 490 tấn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại 3 khu xử lý cấp thành phố là Tràng Cát, Đình Vũ, Gia Minh và 2 khu xử lý cấp huyện (Minh Tân, huyện Thủy Nguyên và Áng Chà Chà, huyện Cát Hải); một phần được xử lý tại các hộ gia đình; còn lại được xử lý tại 4 lò đốt cỡ nhỏ tại Thủy Nguyên, An Lão, Vĩnh Bảo và các bãi rác chưa hợp vệ sinh…
Khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục được đầu tư, cải tạo, nâng cấp phương tiện thu gom.
Việc phân loại rác tại nguồn hiện đạt tỷ lệ thấp. Việc xử lý sau phân loại đối với rác hữu cơ chưa được thực hiện tốt, chỉ có 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Kho vận Phú Hưng có đủ năng lực để đảm bảo xử lý. Do đó, UBND thành phố yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị cần tiếp tục quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp các phương tiện vận chuyển, để thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Đến năm 2025, khu vực nông thôn cũng thực hiện đấu thầu dịch vụ công như đối với khu vực đô thị.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng giao trách nhiệm cho chính quyền các huyện nghiên cứu, bổ sung thêm quỹ đất dành cho việc xử lý rác hữu cơ sau phân loại tại các bãi rác tạm trên địa bàn.
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cần nghiên cứu đề xuất với thành phố phương án chuyển toàn bộ rác hữu cơ sau phân loại trên địa bàn để Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng và Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Kho vận Phú Hưng xử lý. Trước mắt từ giờ đến cuối năm chuyển toàn bộ rác hữu cơ về xử lý tại Nhà máy Xử lý chất thải rắn Tràng Cát;
Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tăng phí thu gom rác tại nông thôn để nâng cao chất lượng dịch vụ, nghiên cứu, đổi mới phương thức quản lý; rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước. Theo đó, năm 2019 tổng lượng CTRSH phát sinh là 64.658 tấn/ngày, trong đó đô thị là 35.624 tấn/ngày, nông thôn là 28.394 tấn/ngày. Hiện nay tổng lượng CTRSH phát sinh là 67.877,34 tấn/ngày; trong đó đô thị là 38.143,05 tấn/ngày, nông thôn là 29.734,30 tấn/ngày. Về công tác thu gom vận chuyển, năm 2023 toàn quốc là 88,34%, trong đó tại đô thị là 96,60%, nông thôn là 77,69%. Về cơ sở xử lý CTRSH, có 1.548 cơ sở, trong đó cơ sở đốt CTRSH là 340 cơ sở; cơ sở xử lý CTRSH thành mùn/phân hữu cơ là 30 cơ sở; cơ sở chôn lấp CTRSH là 1.178 cơ sở, trong đó có nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.
Hiện nay, còn nhiều thách thức trong quản lý CTRSH. Cụ thể, trong phân loại hiện vẫn chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương. Trong thu gom vận chuyển, chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom CTRSH tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom vận chuyển đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trung chuyển đáp ứng quy định dẫn đến tồn đọng CTRSH kéo dài gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho người dân. Ngoài ra, công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (64%); 75% cơ sở xử lý CTRSH được nhà nước hỗ trợ vận hành…/.
Thu Trang
Bình luận