Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ hai, 03/06/2024 16:06
TMO - Thành phố Hải Phòng đang tìm nhà đầu tư tham gia Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghiệp đốt rác phát điện tại Đình Vũ (quận Hải An).
Thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, đơn vị vừa đăng tải công khai hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghiệp đốt rác phát điện tại Đình Vũ, quận Hải An, TP.Hải Phòng. Dự kiến, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện được xây dựng trên diện tích khoảng 9ha tại phường Đông Hải 2 (quận Hải An, TP Hải Phòng). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.498 tỷ đồng (giai đoạn 1) từ 100% vốn của doanh nghiệp, thời gian hoạt động 20-30 năm. Khi hoàn thành, nhà máy có công suất xử lý dự kiến là 1000 tấn/ngày và phát điện với công suất khoảng 20MW.
Trước đó, UBND TP.Hải Phòng đã có Quyết định giao Ban Quản lý Khu kinh tế Thành phố làm bên mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Đình Vũ. TP.Hải Phòng sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức một giai đoạn một túi hồ sơ nhằm lựa chọn được nhà đầu tư trong nước hoặc quốc tế có năng lực với công nghệ hiện đại. Tháng 6/2024, TP.Hải Phòng bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến trong vòng 100 ngày sẽ có kết quả.
TP. Hải Phòng đẩy mạnh áp dụng công nghệ xử lý rác thái tiên tiến, hiện đại (Ảnh minh họa).
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Hải Phòng là đô thị loại I trung tâm cấp quốc gia, có vị trí quan trọng về kinh tế xã hội và an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Bộ và cả nước. Đồng thời, là thành phố cảng, cửa chính ra biển quan trọng, là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hai hành lang, một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và là trung tâm kinh tế - khoa học - kỹ thuật tổng hợp của vùng Duyên hải Bắc Bộ.
Những năm gần đây, Hải Phòng đã và đang có sự phát triển vượt bậc với nhiều chỉ số ấn tượng, các dự án phát triển hạ tầng trọng yếu quốc gia được đầu tư xây dựng, các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu công nghiệp, công trình giao thông quan trọng. Bên cạnh sự phát triển của kinh tế - xã hội, thành phố cũng luôn quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề nạn rác thải ngày càng gia tăng, hướng tới tạo ra nguồn năng lượng sạch, nâng cao chất lượng môi trường và phát triển kinh tế địa phương.
TP.Hải Phòng đã có nhiều chủ trương, chỉ đạo, ban hành các giải pháp cụ thể, trong đó phấn đấu xây dựng một nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác có thu hồi năng lượng để phát điện. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường của thành phố ngày càng xanh, sạch, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Mỗi ngày, Hải Phòng phải xử lý khoảng gần 2.000 tấn rác thải, trong đó, chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh là khoảng 1.000 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn có khối lượng phát sinh khoảng 900 tấn/ngày. Còn lại là chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải đặc thù…
Trước đó, tháng 12/2022, UBND TP.Hải Phòng đã ban hành kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện để hiện thực hoá Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND TP.Hải Phòng về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo kế hoạch này, nhà máy tại Đình Vũ sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành vào cuối năm 2025, nhà máy số 2 tại xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2027.
Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các loại chất thải rắn từ sinh hoạt đô thị, nông thôn được phân loại tại nguồn. Các chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hôi năng lượng hoặc sản xuẩt phân hữu cơ…
Về chất thải rắn công nghiệp thông thường, 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao (gyps) phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp,…đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Về chất thải rắn nguy hại, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Việc áp dụng công nghệ xử lý rác thái tiên tiến, hiện đại sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát chặt chẽ các loại chất thải rắn phát sinh nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thành phố.
Thu Trang
Bình luận