Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 12:11
Thứ ba, 14/06/2022 11:06
TMO - Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển, chủ quyền biển và hải đảo, cần phải đánh giá tổng quan những thách thức về bảo vệ chủ quyền, khai thác bền vững tài nguyên biển.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tăng cường triển khai đồng bộ các khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có biển phải lấy kinh tế biển là động lực để phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, kinh tế địa phương sau đại dịch Covid-19; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư trong các ngành/lĩnh vực kinh tế biển.
Phát triển kinh tế phải gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Cùng với đó là xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển vững mạnh, chủ động bảo vệ chủ quyền biển, đảo từ sớm, từ xa; tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước bạn bè truyền thống, các nước có tiềm lực về biển; hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển.
Cần biến nhận thức về bảo vệ môi trường và tấm lòng yêu biển, đảo thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, hướng đến phát triển kinh tế biển xanh bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển, đảo và đại dương nói riêng cho mọi tầng lớp nhân dân.
Tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển: đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia; triển khai việc tích hợp và số hóa cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu biển quốc gia, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ đảm bảo việc nhập, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống cơ sở dữ liệu biển đảo của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
Phạm Yến
Bình luận