Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ tư, 19/01/2022 15:01
TMO - Tỉnh Hải Dương đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, đề ra mục tiêu và các giải pháp cụ thể trong công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
Đề án được triển khai nhằm nhân rộng công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong cộng đồng. Thông qua các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo đó, tỉnh Hải Dương sẽ thực hiện mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn tại 22 xã, trong thời gian 02 năm (2022 -2023). Bên cạnh dó, chú trọng việc thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có công suất cao, phù hợp với điều kiện thực tế.
Khu phân loại rác tại một công ty trên địa bàn
Nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Huy động tối đa các nguồn lực cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Rà soát, kiểm tra năng lực và công tác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh.
Nhằm thực hiện có hiệu quả đề án trên, tỉnh đã xây dựng và ban hành phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Rà soát, điều chỉnh mức thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường theo hướng xã hội hóa chi phí thu gom, xử lý chất thải, đáp ứng nguyên tắc bảo vệ môi trường “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Đồng thời, điều chỉnh mức thu theo lộ trình dần đáp ứng đủ chi phí cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Hoàn thiện đầu tư mạng lưới điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư xây dựng 4 nhà máy xử lý chất thải rắn.
Tỉnh cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm đường giao thông, điện, nước, viễn thông... tới chân công trình cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung. Trong đó ưu tiên đầu tư các dự án có sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, tiêu tốn ít nguyên nhiên liệu, phát sinh ít chất thải.
Để đề án thực hiện được đúng lộ trình và đạt được hiệu quả như mong đợi, thì cần có sự phối hợp của các sở ban ngành UBND các huyện, thị xã, thành phố, các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh. Trong đó sở tài nguyên và môi trường là đơn vị đóng vai trò chủ chốt trong thực hiện đề án.
VQ
Bình luận