Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 16/05/2025 12:05
Thứ năm, 15/05/2025 12:05
TMO - Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với mùa mưa lũ năm 2025.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão (9/2024) đã gây mưa lũ lớn, hệ thống sông Thái Bình một số nơi đã vượt mực nước báo động III, một số điểm khu vực hạ lưu đã vượt mức lũ lịch sử, khu vực thượng lưu đã đạt mức lũ lịch sử 28 năm trở lại đây; sông Luộc trên báo động II. Đã làm hệ thống công trình đê điều, thuỷ lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đe doạ trực tiếp đến an toàn nhiều tuyến đê.
Cụ thể, khoảng 410 bụi tre chắn sóng bị nghiêng, đổ; xuất hiện 269 sự cố thẩm lậu, đùn sủi, lỗ rò qua thân đê, tràn cục bộ, sạt trượt mái đê, rò mang cống, rò nước qua khe cánh cống trong đợt mưa lũ; 35 công trình trụ sở, cụm chống lụt bão, điếm canh đê bị hư hỏng.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh cần được nâng cấp (Ảnh: LS).
Xác định hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng chống lụt bão, kể từ sau trận lũ trên, Hải Dương đã tập trung đẩy nhanh thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp công trình đê điều địa phương giai đoạn 2021 - 2025. Dự án tu bổ, nâng cấp tuyến đê tả sông Thái Bình từ km 53 + 450 - km 56 + 987 đoạn qua xã Thanh Hồng (Thanh Hà) được khởi công từ sau bão số 3. Thân đoạn đê được ấp trúc, mặt đê được tôn cao, đổ bê tông, bảo đảm cao trình chống lũ.
Bên cạnh đó, hàng loạt các tuyến đê xung yếu khác thuộc dự án tu bổ hệ thống đê điều tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã được các đơn vị thi công tập trung nâng cấp từ sau trận lũ lịch sử với giá trị xây dựng hàng trăm tỷ đồng: Tuyến đê hữu sông Rạng từ km 0 + 815 - km 8 + 170, từ km 9 + 600 - km 13 và từ km 15 + 300 - km 20 + 430 qua các xã Hồng Lạc, Cẩm Việt, Thanh An, Thanh Lang, Thanh Xuân (Thanh Hà); đê hữu sông Kinh Môn từ km 7 + 500 - km 10 + 204 và từ km 10 + 645 - km 13 + 425 từ xã Tuấn Việt đến thị trấn Phú Thái...
Đến thời điểm hiện tại, những tuyến đê trên đã cơ bản hoàn thành việc nâng cấp, được mở rộng từ 4 - 4,5 m lên 7 m, trải bê tông mặt đê rộng 6m, bảo đảm cao trình chống lũ. Ngay từ đầu năm 2025, UBND tỉnh đã phân bổ 200 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 hỗ trợ cho cấp huyện đầu tư 19 công trình khắc phục thiệt hại bão số 3 và mưa lũ sau bão. Nội dung các công trình chủ yếu là sửa chữa, tu bổ đê, xây dựng cống mới qua đê thay thế cống cũ, xây kè đê...
Để chủ động phòng, chống lụt bão, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi năm 2025, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị:
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tổng kết, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn; kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và các lực lượng trên địa bàn theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành”; bổ sung phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi.
Thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình đê điều, thủy lợi nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình (nhất là các vị trí, khu vực trọng điểm xung yếu, những sự cố công trình xảy ra trong bão, lũ năm 2024 nhưng chưa được sửa chữa, khắc phục) theo phương châm “4 tại chỗ”.
Địa phương này cải tạo, nâng cấp các tuyến đê, đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa bão (Ảnh: BHD).
Rà soát, lập danh mục các công trình thủy lợi (đập, hồ chứa nước, cống, kênh, trạm bơm...) bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, hồ chứa nước phải lập quy trình bảo trì, xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để thực hiện. Chủ động bố trí nguồn kinh phí của địa phương, đơn vị và các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời sửa chữa, khắc phục ngay các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa lũ, tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; đề xuất với cấp có thẩm quyền các biện pháp cấp bách để đảm bảo an toàn công trình.
Chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị liên quan tổ chức phát quang mái, chân đê, đập và trong phạm vi bảo vệ công trình để phục vụ công tác tuần tra, phát hiện và kịp thời xử lý sự cố trong mùa mưa, lũ; giải tỏa, thanh thải vật cản, chướng ngại vật lấn chiếm bãi sông, lòng sông, nạo vét, khơi thông hệ thống kênh tiêu để đảm bảo tiêu úng, thoát lũ;
Rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, hạ lưu các tràn xả lũ có nguy cơ xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với những nơi chưa có điều kiện di dời ngay, địa phương phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn.
Về công tác quản lý đê điều, thủy lợi, Sở chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ven đê chủ trì, phối hợp với các phòng chức năng cấp huyện, Hạt Quản lý đê thực hiện kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm công tác quản lý, xử lý vi phạm trong hoạt động bến, bãi ngoài bãi sông vi phạm tập kết vật liệu với quy mô lớn, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, lấn chiếm lòng sông gây cản trở dòng chảy, thoát lũ...Chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ trước ngày 15/6/2025.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ phận, cá nhân được giao trực tiếp quản lý khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn công trình thủy lợi; kiên quyết xử lý đối với các đơn vị, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về thủy lợi. Kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về thủy lợi; đặc biệt là vi phạm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi, vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt; chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành quyết định cấp phép đối với chủ đầu tư các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định của pháp luật.
Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Hưng Hải rà soát, đánh giá chất lượng và khả năng chống lũ của các cống: Âu Thuyền (TP Hải Dương); An Thổ, Cầu Xe (Tứ Kỳ); trạm bơm My Động (Thanh Miện); thực hiện việc sửa chữa những hư hỏng. Đồng thời lập phương án bảo vệ các cống trên trong mùa mưa lũ trình Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện, thành phố sở tại để tổ chức thực hiện. Biên bản kiểm tra đánh giá các cống dưới đê và phương án bảo vệ các công trình này trong mùa mưa lũ đề nghị Công ty gửi về Sở Nông nghiệp và Môi trường (qua Chi cục Thủy lợi - Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh) trước ngày 31/5/2025…
Sở Nông nghiệp và Môi trường giao Chi cục Thủy lợi chỉ đạo Hạt Quản lý đê các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến tình trạng đê điều; phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều; tham mưu, đề xuất UBND cấp huyện trong công tác hộ đê, phòng chống lũ, lụt, bão.../.
Đức Hà
Bình luận