Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 13:01
Thứ năm, 22/02/2024 18:02
TMO - Nhiều cây cổ thụ có tuổi đời từ 200-300 năm nằm trên địa bàn thị xã Kinh Môn, huyện Bình Giang, Kim Thành và thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) vừa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Theo đề xuất của Hội đồng Cây Di sản, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vừa công nhận cây bồ đề tại xóm 3, thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng (thị xã Kinh Môn) có tuổi đời hơn 200 năm tuổi và cây muồng ràng ràng tại thôn Phú Khê, xã Thái Học (huyện Bình Giang) có tuổi đời hơn 300 năm tuổi là Cây Di sản Việt Nam.
Cây bồ đề tại xóm 3 thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn.
Cây bồ đề tại xóm 3, thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng (thị xã Kinh Môn) có tuổi đời hơn 200 năm tuổi, cây đang xanh tốt với nhiều cành lớn hướng ra các phía, được người dân địa phương tích cực bảo vệ chăm sóc. Cây muồng ràng ràng tại thôn Phú Khê, xã Thái Học (huyện Bình Giang) có tuổi đời hơn 300 năm tuổi. Theo quan sát cây muồng ràng ràng có tán rộng khoảng 20 m, chiều cao khoảng 17 m dáng cây thẳng và đang phát triển xanh tốt.
Cây muồng ràng ràng ở thôn Phú Khê, xã Thái Học vừa được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Mới đây (ngày 21/2), tại xã Hưng Đạo (TP Chí Linh), địa phương vừa tổ chức lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây đa tại xóm Giữa, thôn Kim Điền.
Lễ công nhận cây đa cổ thụ tại xóm Giữa là Cây Di sản việt Nam.
Cây đa cổ thụ tại xóm Giữa có tuổi đời hơn 300 năm tuổi. Cây gồm 1 thân chính và 12 thân phụ, có chiều cao 35 m. Tán cây tỏa rộng khoảng 550 m2, hình mâm xôi. Hiện cây sinh trưởng tốt, được nhân dân trong làng bảo vệ chăm sóc.
Trước đó vào ngày 18/2/2024, cây đa cổ thụ tại thôn Đồng Xá Bắc và cây gạo cổ thụ gần 200 năm tuổi tại thôn Phí Gia, xã Đồng Cẩm, huyện Kim Thành cũng vừa được chính quyền cùng nhân dân long trọng tổ chức lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Cây đa cổ thụ tại Miếu xóm Ngò, thôn Đồng Xá Bắc, huyện Kim Thành vừa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Việc công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với các cây cổ thụ có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, bảo vệ nguồn gen quý hiếm, đồng thời, nâng cao công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng xã hội nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
Hoạt động công nhận, bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động và triển khai từ năm 2010, ngoài bảo tồn đa dạng sinh học, hoạt động này nhằm tuyên truyền giáo dục nhận thức cộng đồng bảo vệ cây xanh, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường góp phần phát triển bền vững./.
PV
Bình luận