Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ tư, 21/08/2024 19:08
TMO - Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, mỗi năm tỉnh này phát sinh trên 50.500 tấn chất thải nguy hại, đã có hơn 50.350 tấn rác thải nguy hại đã được xử lý, đạt tỷ lệ 99,6%.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho thấy, toàn tỉnh hiện có gần 600 cơ sơ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế có báo cáo phát sinh trên 50.500 tấn chất thải nguy hại/năm. Trong đó hơn 50.350 tấn rác thải nguy hại đã được xử lý, đạt 99,6%. Mỗi năm 27 cơ sở y tế nhà nước và một số cơ sở y tế tư nhân trong tỉnh phát sinh gần 370 tấn chất thải y tế nguy hại.
Theo Sở Y tế Hải Dương, toàn bộ chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã được phân loại quản lý ngay tại nơi phát sinh và thời điểm phát sinh. Theo đó, từng loại chất thải y tế nguy hại đã được lưu giữ, phân loại trong bao bì, dụng cụ thiết bị lưu chứa theo quy định. Chất thải y tế phát sinh tại các cơ sở y tế được phân loại, thu gom, lưu giữ trong các thùng có nắp đậy. Sau đó, chất thải được chuyển đến kho lưu giữ và được các đơn vị ký hợp đồng chuyển giao xử lý cho các đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế.
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 7 đơn vị có chức năng thu gom xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, gồm các Công ty TNHH: Khai thác, Chế biến, Xuất nhập khẩu Khoáng sản Việt Nam, Saehan Green Vina, Sản xuất dịch vụ thương mại Môi Trường Xanh; các Công ty CP: Công nghệ môi trường An Sinh, Môi trường xanh Minh Phúc, Phát triển Công nghệ Tài nguyên Môi trường, Tập đoàn Thành Công.
Sở Y tế Hải Dương cho biết, toàn bộ chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã được phân loại quản lý ngay tại nơi phát sinh và thời điểm phát sinh (Ảnh minh họa).
Thời gian qua, công tác thu gom, xử lý rác thải trong đó có phân loại rác thải tại nguồn được các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 1.282 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tăng 12 tấn/ngày so với năm 2020. Trong đó, rác thải khu vực đô thị hơn 600 tấn/ngày; rác thải khu vực nông thôn 681 tấn/ngày.
Hiện nay tại khu vực đô thị có 42 tổ thu gom, 7 hợp tác xã và 5 công ty thu gom rác; tỷ lệ thu gom chất thải của thành phố Hải Dương đạt 95%, thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn đạt 90%, và các khu vực đô thị khác đạt 85%. Tại khu vực nông thôn có hơn 1000 đơn vị, 985 tổ, đội và 11 công ty cùng 7 hợp tác xã thu gom rác. Tỷ lệ thu gom chất thải đạt khoảng 85%. Hiện việc xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp chiếm 61%, đốt là 39%; toàn tỉnh hiện có 631 bãi chôn lấp rác thải, tổng khối lượng chất thải đã chôn lấp khoảng 3,2 triệu tấn
Triển khai đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Hải Dương đã phát hành sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn. Theo mục tiêu đề án, Hải Dương đã áp dụng mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 22 xã, trong đó, mỗi huyện, thị xã, thành phố thí điểm tại 2 xã (trừ TP Hải Dương) trong thời gian 2 năm, từ năm 2022 đến năm 2023.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với UBND cấp huyện rà soát lại các bãi chôn lấp chất thải và điểm trung chuyển. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh đánh giá sơ bộ về hiệu quả của việc phân loại tại nguồn trên địa bàn huyện Nam Sách, trên cơ sở đó sẽ tham mưu nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn trong thời gian tới để phấn đấu đến năm 2025, Hải Dương có ít nhất 50% số hộ nông thôn phân loại chất thải tại nguồn.
Nguyễn Điệp
Bình luận