Hotline: 0941068156
Thứ tư, 14/05/2025 08:05
Thứ sáu, 07/03/2025 13:03
TMO – Hà Nội yêu cầu rà soát, có kế hoạch cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây mới, bảo đảm tăng về số lượng, chất lượng các nhà vệ sinh công cộng với tiêu chí văn minh, hiện đại, trang thiết bị tiện lợi, phù hợp với thói quen và mục đích sử dụng chung, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân và du khách.
Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp về kết quả thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn 4 quận nội đô lịch sử và việc bố trí địa điểm vệ sinh công cộng.
Nội dung Kết luận nêu rõ: Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) và Công ty cổ phần Môi trường Thiên Ý Hà Nội (HNTY) xây dựng quy trình hoạt động, phương án kỹ thuật và triển khai các thủ tục liên quan về nhập khẩu phương tiện, máy móc hiện đại, thân thiện môi trường... để sử dụng cho công tác vệ sinh môi trường. Trong đó, lựa chọn địa bàn 1 quận để thí điểm đầy đủ theo đúng quy trình chuẩn.
Trên cơ sở đó, xây dựng quy trình, định mức, đơn giá trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở để xây dựng bài thầu, giá các gói thầu duy trì vệ sinh môi trường để tổ chức đấu thầu cho giai đoạn từ năm 2026. Rà soát, đề xuất nâng cao hơn nữa các tiêu chí đấu thầu lựa chọn đơn vị duy trì vệ sinh môi trường theo hướng tiên tiến, hiện đại trong đó có phân định rõ tiêu chuẩn của các quận nội đô lịch sử, các quận, huyện, thị xã.
Hà Nội yêu cầu rà soát, cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh công cộng. Ảnh minh họa.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét một số địa điểm tạm thời làm bãi đỗ phương tiện, máy móc nhập khẩu phục vụ công tác vệ sinh môi trường, báo cáo UBND thành phố trước ngày 20-3-2025; chủ trì phối hợp với Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn URENCO và HNTY trong việc hợp tác đầu tư nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, bảo đảm theo đúng quy định. Khẩn trương triển khai báo cáo kết quả xây dựng giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để triển khai thực hiện (theo nguyên tắc chủ nguồn thải phải chi trả chi phí xử lý chất thải, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước).
Về việc bố trí địa điểm vệ sinh công cộng, cơ chế phối hợp, khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị... mở cửa phục vụ, giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân của du khách, nhân dân trên địa bàn, lãnh đạo thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã: Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng thống nhất rà soát, bàn giao các nhà vệ sinh công cộng về địa phương quản lý.
Trên cơ sở đó, có kế hoạch cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới, bảo đảm tăng về số lượng, chất lượng các nhà vệ sinh công cộng với tiêu chí văn minh, hiện đại, trang thiết bị tiện lợi, phù hợp với thói quen và mục đích sử dụng chung, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân và du khách. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động chủ các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị... trên địa bàn tự nguyện phối hợp, cam kết mở cửa phục vụ, giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân của du khách, nhân dân trên địa bàn miễn phí.
Năm 2024 ngành du lịch Hà Nội đã đón 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023, trong đó đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Ảnh minh họa.
Hà Nội giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, UBND các quận, huyện, thị xã thống nhất, đề xuất áp dụng thông tin nhận diện, chỉ dẫn cho du khách và người dân về các địa điểm được sử dụng công trình vệ sinh miễn phí; có các biện pháp tuyên truyền để du khách, người dân biết khi tham quan, làm việc, hoạt động trên địa bàn thành phố. UBND quận Đống Đa phối hợp với HNTY nghiên cứu, lựa chọn địa điểm để đầu tư một nhà vệ sinh công cộng kiểu mẫu bảo đảm hiện đại, tiện lợi, thẩm mỹ và bảo đảm vệ sinh môi trường, phù hợp cảnh quan khu vực. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất, hướng dẫn nhân rộng trên địa bàn các quận, huyện khác.
Tính khả thi đến đâu?
Nhà vệ sinh công cộng đã và đang là vấn đề nhận được nhiều quan tâm, đặc biệt đối với khách du lịch ở các khu đô thị, thành phố lớn. Giải pháp “đi vệ sinh nhờ” đã được một số thành phố như TP. HCM và TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế (nay là TP. Huế) áp dụng triển khai. Theo đó, chính quyền địa phương vận động khách sạn, nhà hành, quán cà phê mở cửa miễn phí cho khách du lịch, người dân sử dụng nhà vệ sinh. Đây được xem là giải pháp tạm thời nhằm giải quyết bất cập về vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp này có tính khả thi thấp bởi liên quan đến khâu quản lý và làm gia tăng chi chí cho các khách sạn, nhà hàng, mặt khác không ít khách du lịch cũng tỏ ra e ngại với tâm lý phải ‘nhờ vả’ đi vệ sinh.
Từ những bất cập nêu trên, không ít ý kiến cho rằng các địa phương (nơi có thế mạnh về du lịch hoặc các trung tâm, điểm đến du lịch) cần tính toán đầu tư, xây dự hệ thống nhà vệ sinh công cộng, số lượng phù hợp với quy mô, tạo thuận tiện cho khách du lịch nói riêng và người dân nói chung sử dụng. Ngoài ra, nhà vệ sinh công cộng cần bố trí nhân lực phụ trách để đảm bảo mỹ quan, luôn sạch sẽ, giúp du khách và người dân thoải mái khi sử dụng.
PHẠM DUNG
Bình luận