Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 19:01
Thứ ba, 12/09/2023 11:09
TMO - Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 8.362 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gấp 4 lần, số ca tử vong tương đương.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 1-8/9, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 1.669 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 540 trường hợp so với tuần trước đó, ghi nhận thêm 1 ca tử vong là bệnh nhân nữ 20 tuổi, huyện Quốc Oai. Các ca mắc sốt xuất huyết mới trên địa bàn TP. Hà Nội ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Hoàng Mai (137 ca), Đống Đa (119 ca), Thanh Trì (115 ca), Hà Đông (109 ca), Nam Từ Liêm (104 ca), Cầu Giấy (94 ca), Chương Mỹ (81 ca), Phú Xuyên (79 ca), Thanh Xuân (75 ca), Phúc Thọ (72 ca).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 8.362 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong (một nam bệnh nhân 19 tuổi, quận Hà Đông; một bệnh nhân nữ 45 tuổi, quận Hoàn Kiếm và một bệnh nhân nữ 20 tuổi, huyện Quốc Oai). So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gấp 4 lần, số ca tử vong tương đương.
Đảm bảo vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Q.H
Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết hiện nay là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, đặc biệt miền Bắc đang trong điều kiện thời tiết nắng mưa đan xen. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh giữa các vùng miền cũng làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý, dẫn đến phát sinh các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh. Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2023 và 2024, hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.
Theo các chuyên gia y tế, cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cụ thể: Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách sử dụng một số biện pháp diệt muỗi như: bình xịt, thắp hương muỗi, phun thuốc chống muỗi... Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy. Thay rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần. Phát quang bụi rậm. Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát.
Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
K. Linh
Bình luận