Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 05:11
Thứ ba, 05/12/2023 19:12
TMO – Theo Kế hoạch, UBND TP. Hà Nội đề nghị rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng thủ dân sự để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới văn bản phù hợp với luật này.
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng thủ dân sự. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai và thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trên địa bàn; Xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai thi hành Luật Phòng thủ dân sự bảo đảm thống nhất, hiệu quả. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị xã và nhân dân trong việc thi hành Luật Phòng thủ dân sự.
Kế hoạch triển khai gồm các nội dung: Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng thủ dân sự để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới văn bản phù hợp với Luật Phòng thủ dân sự; Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự; Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nội dung Luật Phòng thủ dân sự.
Lực lượng chức năng tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai. Ảnh: HT
Bộ Tư lệnh Thủ đô được giao tổng hợp, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu UBND Thành phố tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn công dân thực hiện Luật.
Trước đó, vào sáng 20/6 vừa qua, với gần 95% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Phòng thủ dân sự. Luật gồm 7 chương với 55 điều, quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự. Luật quy định nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể và nhân dân. Được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương; có sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng trong hoạt động phòng thủ dân sự theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm 4 tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân. Kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bảo Hân
Bình luận