Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 05:01
Thứ bảy, 14/10/2023 12:10
TMO - Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn với tiêu chuẩn dùng nước 105-110 lít/người/ngày.
Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn TP. Hà Nội hiện tại đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm. Trong đó, nguồn nước ngầm khoảng 735.000 m3/ngày đêm tại 16 nhà máy và một số trạm sản xuất nước cục bộ; nguồn nước mặt khoảng 795.000 m3/ngày đêm tại 5 nhà máy nước mặt.
Tính đến tháng 7/2023, thành phố có 274/413 xã (tương đương khoảng 85%) người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung của thành phố. Trong đó 100% các xã thuộc các huyện Gia Lâm, Phú Xuyên, Mê Linh, Hoài Đức, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây đã được cấp nước sạch. Còn lại khoảng 139 xã chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch đang tiếp tục đầu tư hoặc nghiên cứu đầu tư gồm các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thường Tín, Ba Vì.
TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch.
UBND TP. Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm cấp nước đến các địa phương ở khu vực nông thôn. Trong đó, có thể kể đến như quy hoạch mạng lưới cấp nước sạch còn một số bất cập; năng lực nhà đầu tư; giá bán nước sạch chưa phù hợp nên nhà đầu tư không mặn mà và sự phối hợp của các đơn vị liên quan còn chậm.
Để đảm bảo toàn bộ người dân trên địa bàn thành phố được cung cấp nước sạch, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 311/KH-UBND ngày 28/12/2021 về việc hoàn thành các dự án phát triển nguồn tập trung và các dự án phát triển mạng cấp nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Cụ thể, đối với 4 xã của huyện Ba Vì, TP quyết tâm chậm nhất trong năm 2025 sẽ hoàn thành việc cấp nước. Đối với 8 xã huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đã giao Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ phụ thuộc vào nguồn từ Nhà máy nước sông Hồng nên dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Đối với các xã còn lại của huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đã đề xuất mở rộng đầu tư toàn bộ huyện Chương Mỹ, 5 xã huyện Quốc Oai, dự kiến hết năm 2025 sẽ hoàn thành cấp nước.
Đối với 21 xã huyện Thường Tín, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đã đề xuất đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành mạng cấp nước trong giai đoạn 2024-2025. Đối với 10 xã huyện Thanh Oai, Công ty CP Viwaco đang đề xuất đầu tư mạng cấp nước và dự kiến đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành cấp nước cho khu vực trên....
Theo đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội, để sớm hoàn thành việc cấp nước sạch tập trung cho người dân Thủ đô, ngoài đẩy nhanh các dự án cấp nước theo quy hoạch, thì ở khu vực không thể đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung (khu vực khó khăn, địa hình đồi gò, dân cư thưa thớt tại các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Phúc Thọ), TP. Hà Nội giao các huyện nghiên cứu dự án cấp nước cho các khu vực bằng nguồn ngân sách và đề xuất cơ chế quản lý vận hành sau đầu tư. Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND các huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành hồ sơ đề xuất phương án xử lý tài sản cấp nước với các công trình nước sạch nông thôn đã đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Thành phố chú trọng công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới. (Ảnh minh họa).
Cùng với mục tiêu đảm bảo nước sạch nông thôn, thành phố tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, thành phố đặt ra 8 mục tiêu về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong giai đoạn đến năm 2025, trong đó: Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.
Thành phố cũng hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt tại các địa phương; bảo đảm ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định; triển khai 1-2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp…
Trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, thành phố phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm. Về tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, đạt 100% với tiêu chuẩn dùng nước 105-110 lít/người/ngày; tỉ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung đạt ít nhất 70%; bảo đảm cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung.
Phấn đấu các mục tiêu đã đề ra, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của kế hoạch; triển khai lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch, dự án của cơ quan, đơn vị để thực hiện chương trình; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thực hiện kế hoạch này... UBND các quận, huyện, thị xã chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách cấp huyện và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch tại địa phương theo đúng quy định. Đồng thời khuyến khích, thu hút và phát huy vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tại địa phương trong việc thực hiện các nội dung của kế hoạch.
Thu Trang
Bình luận