Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ bảy, 03/08/2024 07:08
TMO - Hơn chục ngày qua, lũ lớn từ đầu nguồn tràn về khiến hệ thống sông Bùi, sông Tích dâng cao, làm ngập sâu nhiều thôn, xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất (TP.Hà Nội). Nhiều thôn bị chia cắt hoàn toàn, khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh khó khăn.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và các hiện tượng thời tiết cực đoan, trên địa bàn thành phố, tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất đang có những diễn biến phức tạp; mực nước các hồ chính và sông nội địa đang ở mức cao (sông Tích tại Vĩnh Phúc và sông Bùi tại Yên Duyệt đều ở trên mức báo động II).
Theo tổng hợp từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (PCTT và TKCN), mưa lũ đã gây thiệt hại về sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân liên quan đến ngập lụt, sạt lở đất; đã có cả thiệt hại về người trong mưa lũ.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ, ngày 3/8, Hà Nội vẫn có mưa rào rải rác và dông vài nơi. Tổng lượng mưa cả đợt tại các huyện phía Bắc và trung tâm thành phố 10-20mm, có nơi cao hơn 30mm; các huyện phía Nam và phía Tây thành phố 20-40mm, có nơi cao hơn 70mm. Bên cạnh đó, mực nước trong sông tại Hà Nội vẫn đang ở mức cao nguy cơ mất an toàn đối với tuyến đê thuộc huyện Quốc Oai và Thạch Thất; thời gian ngập lụt tại các khu vực ven sông Tích và sông Bùi sẽ có khả năng kéo dài; làm gia tăng rủi ro thiên tai cũng như dịch bệnh...
Những ngày qua mưa lũ tại Hà Nội đã gây ngập lụt nhiều làng xã ven sông Bùi, sông Tích thuộc địa phận các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Ảnh: TP.
Để khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 2 và chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ sắp tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã cùng các sở, ban, ngành triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, các đơn vị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế.
Ban Chỉ huy cũng đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ lụt và sạt lở đất để người dân biết và chủ động phòng tránh. Thông tin cần được phổ biến rộng rãi qua hệ thống thông tin và mạng xã hội, giúp giảm thiểu thiệt hại. Các lực lượng chức năng cần rà soát, bổ sung lực lượng canh gác, kiểm soát và hướng dẫn giao thông qua các khu vực nguy hiểm như ngầm tràn, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Cần kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.
Công điện cũng nhấn mạnh việc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cập nhật thường xuyên thông tin để chính quyền và người dân chủ động phòng tránh. Các lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn cần luôn sẵn sàng để ứng phó khi có tình huống khẩn cấp. Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực và biện pháp để ứng phó với tình hình mưa lũ phức tạp, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Các sở, ban, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo và biện pháp phòng chống thiên tai, giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Thực hiện Công điện số 04/CĐ-BCH ngày 01/8/2024 của Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Quốc Oai đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn, Ban chỉ huy các tuyến đê, các tiểu ban, các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác PCTT và TKCN thời gian gần đây. Đồng thời không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn huyện.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đề nghị đối với tuyến đê Tích với chiều dài 10,6 km đã được UBND huyện phê duyệt cải tạo nâng cấp là 2 dự án với tổng mức đầu tư 538 tỷ; một dự án đã được Thành phố hỗ trợ với tổng chiều dài 3,47 km, dự kiến khởi công tháng 9/2024. Một dự án còn lại được phê duyệt với chiều dài 7,13 km.
Đề nghị Thành phố quan tâm hỗ trợ để dự án sớm được khởi công. sau khi mưa lũ huyện Quốc Oai sẽ thực hiện tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống kênh mương để có giải pháp xử lý các tuyến đê sung yếu như tuyến đê: Đồng Lạng, Khoang Lươn xã Đông Yên (chắn lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về); đê Minh Khai, đê Đồng Giáp xã Cấn Hữu, đê Khoang Ông xã Hòa Thạch, đê Phú bàn xã Phú Cát... đề nghị Thành phố quan tâm hỗ trợ để đầu tư nâng cấp, cải tạo.
Sau khi lũ rút để đảm bảo đời sống cho nhân dân được kịp thời, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Quốc Oai đề nghị huyện tổ chức rà soát tổng thể thiệt hại và hỗ trợ nhân dân theo Nghị Quyết số 08/NQ-HĐND của HĐND Thành phố và một số chính sách theo quy định để đảm bảo an sinh, phục hồi sản xuất, như nạo vét kênh mương, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi...
Các địa phương tiến hành tổng vệ sinh ngay sau khi nước rút, đồng thời thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó với mưa lớn.
Tại huyện Chương Mỹ, để ứng cứu kịp thời khắc phục hậu quả do mưa lũ, huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo các xã, thị trấn lắp dựng biển cảnh báo, rào chắn tại các tuyến đường và khu vực ngập sâu; phân công lực lượng Công an thường xuyên tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân. Đồng thời chỉ đạo các phòng, ban, ngành huyện chủ động triển khai phương án đảm bảo cứu trợ đời sống cho nhân dân; không để tình trạng người dân không có nước uống, sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu; công tác đảm bảo an ninh trật tự; kê kích tài sản, di dời dân đến khu vực an toàn; triển khai công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men và thiết bị y tế…
Huyện Chương Mỹ sẽ tiếp tục khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ do bão số 2, chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân trong thời gian tới. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Chương Mỹ yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành, đơn vị huyện tăng cường triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác PCTT&TKCN.
Chủ động triển khai phương án đảm bảo cứu trợ đời sống cho nhân dân; không để tình trạng người dân không có nước uống, sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu; công tác đảm bảo an ninh trật tự; kê kích tài sản, di dời dân đến khu vực an toàn; triển khai công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men và thiết bị y tế...
Đối với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, hồ, đập, công trình thủy lợi, các công trình xây dựng, các khu nhà ở, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng, sự cố đảm bảo an toàn công trình; tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu úng bảo vệ phục hồi sản xuất. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nhu yếu phẩm theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động ứng phó, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở, các sự cố công trình.
Các xã, thị trấn chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang (thị trấn Xuân Mai, xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Hữu Văn, Hồng Phong, Trần Phú, Mỹ Lương) chủ động phương án sơ tán nhân dân, tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó lũ rừng ngang. Rà soát, kiểm tra các di 2 trên 3 dễ có nguy cơ sự cố, nhất là đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn về người, tài sản của nhà nước và nhân dân; chủ động dự trữ và tiếp nhận lương thực, thuốc men, hàng hóa, vật tư thiết yếu, sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai xảy ra.../.
Lê Tâm
Bình luận