Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 15:01
Thứ năm, 12/12/2024 19:12
TMO - Sông Tô Lịch, Lừ, Kim Ngưu, Sét nằm trong khu vực đô thị khoảng 17,5 km2. Sau khi toàn bộ nước thải của sông Tô Lịch, sông Lừ được thu gọn về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; sông Kim Ngưu, Sét được thu về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở thì toàn bộ nước bổ cập cho các con sông này là không có, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.
Theo đó, trước các câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND TP. Hà Nội về dự án xây dựng đường ống riêng để bổ trợ nước sông Hồng qua hồ Tây cho sông Tô Lịch để cải tạo môi trường cho dòng sông. Với các sông khác như sông Lừ, Sét, Kim Ngưu thì giải pháp là gì và bao giờ thực hiện? Vấn đề về phục hồi chất lượng môi trường nước, phát triển đồng bộ kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan 4 sông nội đô: Sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030 cũng được đại biểu đề cập, đặt câu hỏi.
Với những nội dung nêu trên, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết sông Tô Lịch, Lừ, Kim Ngưu, Sét nằm hoàn toàn trong khu vực đô thị khoảng 17,5 km2. Sau khi toàn bộ nước thải của sông Tô Lịch, sông Lừ được thu gọn về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; sông Kim Ngưu, Sét được thu về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở thì toàn bộ nước bổ cập cho các con sông này là không có. Để triển khai, Chính quyền Thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì triển khai bổ cập nước, hiện Sở đang phối hợp cùng các đơn vị để triển khai. Việc triển khai của sông Tô Lịch phải làm đồng bộ với các sông còn lại. Đây là nhiệm vụ nằm tổng thể đề án bảo tồn, phát huy, cải tạo môi trường của các con sông trong nội thành.
Tô Lịch - dòng sông mang nhiều giá trị đối với người dân Thủ đô. Tuy nhiên, sông Tô Lịch ngày nay hiện đang là một trong những điểm ô nhiễm của Thủ đô.
Đến nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở, ngành, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì đề án để triển khai các giải pháp. Trong đó có việc tập trung cải thiện toàn bộ nguồn thải, thứ hai là bổ cập nước bằng hai nguồn chính: Ngay từ nước sau sau khi xử lý quay ngược lại cho các con sông, thứ hai là nguồn nước từ bên ngoài như từ sông Hồng để bổ cập.
Liên quan đề án phục hồi môi trường nước, phát triển đồng bộ hạ tầng kĩ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc, cảnh quan 4 con sông nội đô giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho hay, ngay từ đầu nhiệm kỳ, cơ quan này đã triển khai các nội dung đồng bộ các nội dung đề án để trình UBND Thành phố và Thành phố đã nghe nhiều cuộc về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung bất cập trong quá trình triển khai thực hiện cần hoàn thiện. Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, các giải pháp cần phải tổng thể hơn, cần xin thêm ý kiến của các chuyên gia.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung và cập nhật thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2030 để bảo đảm công tác quy hoạch kiến trúc, thiết kế cảnh quan cho 4 con sông nội đô cả về giá trị lịch sử, văn hóa, môi trường sinh thái đô thị theo hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nội dung, giải pháp đưa ra được đề xuất theo hướng cải thiện chất lượng nước, duy trì dòng chảy sinh thái, tăng cường quá trình làm sạch tự nhiên của các con sông, bổ cập tự nhiên… ; quy hoạch môi trường thoát nước, cảnh quan bảo đảm trên nguyên tắc thu gom triệt để nước thải, mở rộng lòng sông, cây xanh hai bên bờ… Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn chỉnh các nội dung liên quan đến dự án và dự kiến hoàn chỉnh trình UBND Thành phố vào tháng 1/2025.
Trước đó, sáng 2/12, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đi kiểm tra tiến độ dự án xử lý nước thải Yên Xá và thực hiện các biện pháp làm sạch sông Tô Lịch. Sau khi thị sát trực tiếp cửa xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch, các điểm thu gom nước thải dọc hai bờ sông và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì dự án khẩn cấp dẫn nước từ sông Hồng qua hồ để bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Mục đích là tạo dòng chảy, giảm sự ô nhiễm cho sông Tô Lịch.
Để đảm bảo môi trường sinh thái cho Hồ Tây, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu khi dẫn nước từ sông Hồng về đến hồ phải làm hai đường ống bằng thép chạy song song đi ngầm dưới lòng hồ. Một ống thép dẫn nước bổ sung thường xuyên cho sông Tô Lịch, ống còn lại để sẵn sàng cấp nước cho Hồ Tây khi cần thiết. Đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng hoàn thành thủ tục trong 3 tháng và tổ chức thi công trong 6 tháng, hoàn thành dịp 2/9/2025.
THẢO NGUYÊN
Bình luận