Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 02:11
Thứ sáu, 03/06/2022 15:06
TMO - Sáng 3/6, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức phát động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường Thế giới (5/6) với thông điệp "Chung tay hành động vì Hà Nội xanh".
Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022, TP Hà Nội tổ chức Lễ Phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2022 với thông điệp “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh” mở đầu cho Tháng hành động vì môi trường năm 2022.
Ông Nguyễn Trọng Đông - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại Lễ phát động
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng với việc Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 được chính thức áp dụng (từ ngày 01/01/2022). Đây là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.
Đồng thời, với sự đồng hành của các tổ chức và người dân, thành phố Hà Nội tiếp tục xây dựng, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thông qua Kế hoạch quản lý chất lượng không khí, Đề án phân loại rác tại nguồn, Đề án cải thiện và phục hồi các sông nội đô, nhiều chương trình, kế hoạch khác với quyết tâm trở thành điểm đến xanh, "tọa độ xanh" trên bản đồ thế giới.
Quang cảnh buổi lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường
Hướng đến mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi tất cả sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước trên địa bàn TP, mỗi người dân Thủ đô hãy tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2022 và có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.
Đồng thời, hãy lắng nghe tiếng gọi thiên nhiên để có hành động đúng đắn. Hãy luôn tin tưởng, đồng hành, chung tay cùng thành phố để đẩy lùi màu "nâu", trả lại màu "xanh" cho Thủ đô...
Trong khuôn khổ của buổi lễ phát động, ông Phạm Tuấn Long -Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm của Thủ đô Hà Nội, mật độ dân số cao, là đầu mối giao thông quan trọng, điểm dừng chân của khách du lịch khi đến với Hà Nội.
Vì thế, quận Hoàn Kiếm xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, sẽ tiếp tục được quan tâm hàng đầu. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng đã làm cho môi trường quận có những chuyển biến tích cực trong cả nhận thức và hành động.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thông tin về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quận
Những năm qua, quận Hoàn Kiếm được TP Hà Nội lựa chọn thí điểm thực hiện nhiều chương trình về bảo vệ môi trường và đều đạt kết quả cao như: thí điểm việc xóa bếp than tổ ong, 100% trường mầm non, tiểu học trên địa bàn quận đã tham gia chương trình thu gom vỏ sữa học đường, qua đó giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
Bên cạnh đó, Hoàn Kiếm là quận đầu tiên của thành phố triển khai thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn, chương trình “Xây dựng Trường học xanh – Vì một Hà Nội xanh”...
“Trong thời gian tới, người dân quận Hoàn Kiếm sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai hiệu quả bằng các hoạt động thiết thực để công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, góp phần giữ gìn Thủ đô Hà Nội luôn sáng, xanh, sạch, là điểm đến không thể thiếu đối với các du khách”. - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long bày tỏ.
Lãnh đạo, đại biểu, tình nguyện viên hưởng ứng và quyết tâm hành động vì một Thủ đô sáng, xanh, sạch
Trong khuôn khổ “Tháng hành động vì môi trường” sẽ diễn ra các buổi tọa đàm, hội nghị, hội thảo trong nước, quốc tế nhằm phổ biến, giới thiệu và tìm kiếm các mô hình tiên tiến về bảo vệ tài nguyên, môi trường, giải pháp về giảm thiểu ô nhiễm và ứng phó với biến đổi khí hậu; hội thảo tham vấn các sở, ngành, các đơn vị liên quan về quy định loại bỏ việc sử dụng bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ, đo kiểm khí xe máy...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng đang là vấn đề nan giải hiện nay. Trước thực trạng trên, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường như cải thiện chất lượng không khí, quản lý rác thải, giảm rác thải nhựa, sống xanh… cùng với sự tham gia tích cực của trường học, cộng đồng, doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị và tổ chức xã hội đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước.
Gian hàng được trưng bày tại Lễ phát động
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai thực hiện đo kiểm khí thải xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, từ ngày 12/11 đến ngày 19/12/2021, chương trình đã đo kiểm khí thải cho 5.240 xe máy lưu hành từ 5 năm trở lên.
Đáng chú ý, với những nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân, tính đến hết tháng 12/2021, Hà Nội còn khoảng 316 bếp than tổ ong tại 30 quận huyện, giảm 99,42% so với khảo sát năm 2017. Lượng khí thải CO do sử dụng bếp than tổ ong tính đến tháng 12/2020 giảm 19.000 tấn so với năm 2017. Lượng bụi mịn (PM2.5) giảm 1,658 tấn/năm.
Đại Lộc
Bình luận