Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 22:11
Thứ ba, 05/09/2023 18:09
TMO – Nổi bật nhất là ngành du lịch với trên 2 triệu lượt khách đến Thủ đô trong tháng 8. Doanh thu từ hoạt động du lịch trong 8 tháng năm 2023 ước đạt trên 61 nghìn tỷ đồng.
Trong tháng 8, du lịch Hà Nội đón khoảng 2,18 triệu lượt khách, tăng 23,1% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 16,9 triệu lượt khách, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 61.600 tỷ đồng, tăng 63,1% với cùng kỳ năm trước. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 61,4%, tăng 28,5% so với cùng kỳ.
Đối với công tác quy hoạch, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, khắc phục tình trạng chậm trễ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn Thành phố.
Trong tháng 8/2023, du lịch Hà Nội đón trên 2 triệu lượt khách.
Hà Nội đã thực hiện phê duyệt 13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trong 6 tháng đầu năm, nâng tổng số nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện lên thành 14/14 nhiệm vụ. Ngoài ra, Thành phố tiếp tục thực hiện các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, chung cư cũ, các làng nghề, hoàn thiện chương trình phát triển đô thị. Chất lượng quy hoạch được nâng cao, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch. Thành phố tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì thành quận. Rà soát, đánh giá mức độ đạt các tiêu chí thành lập phường, quận; trong đó tập trung đối với tiêu chí chưa đạt, xây dựng giải pháp, cân đối nguồn lực để thực hiện đạt tiêu chí. Hà Nội cũng tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá của Thành phố.
Công trình cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã được khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng; đã hoàn thành đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài; đang đôn đốc tiến độ để đưa vào vận hành trong năm 2023 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao); tiếp tục đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đưa vào sử dụng Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; khởi công Dự án tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường vành đai 3; nghiên cứu, triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các cầu lớn vượt sông Hồng: Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng… để khớp nối đồng bộ với đường Vành đai 4.
Về triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội; hoàn thành Quy định về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, Thành phố đã hoàn thành 02 dự án nhà thương mại với 61.043m2 sàn nhà ở tương đương 389 căn nhà; 02 dự án nhà tái định cư với 24.960m2 sàn nhà ở, 312 căn hộ (Chưa có dự án nhà ở xã hội hoàn thành).
Hà Nội cũng tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, mở mới các tuyến buýt, đưa vào vận hành một số tuyến buýt chạy điện. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến: 30/30 quận, huyện, thị xã; 510/579 số xã, phường thị trấn; 65/75 bệnh viện; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông; 27/27 các khu, cụm công nghiệp lớn; 33/37 các khu đô thị; 23/24 làng nghề; 23/25 khu di tích lịch sử, văn hoá, khu du lịch; kết nối với 06 tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).
Thảo Phương
Bình luận