Hotline: 0941068156
Thứ năm, 26/12/2024 07:12
Thứ năm, 12/12/2024 06:12
TMO - Trong năm 2025, TP.Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng và ban hành quy định vùng phát thải thấp. Đáng chú ý, trong năm 2025 thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải, các đề án bảo vệ môi trường, và hạn chế phương tiện giao thông…
Theo đó, trong năm 2025, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng và ban hành quy định về tiêu chí, điều kiện vùng phát thải thấp theo định hướng Quy hoạch Thủ đô và Luật Thủ đô. Thông tin từ Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong năm 2025, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải, các đề án bảo vệ môi trường dòng các sông. Thành phố sẽ xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông (như sông Tô Lịch, sông Tích, sông Bùi, sông Đáy), trong đó trước mắt ưu tiên tập trung xử lý môi trường sông Tô Lịch, đảm bảo “sạch, sáng”, phấn đấu hoàn thành vào ngày 2/9/2025.
Bên cạnh đó tành phố sẽ nghiên cứu xây dựng và ban hành các quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xây dựng “vùng phát thải thấp” theo định hướng Quy hoạch Thủ đô và Luật Thủ đô. Ngoài ra, Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng tập trung xây dựng hệ thống giao thông công cộng, nhất là hệ thống đường sắt đô thị; triển khai sớm đường sắt đô thị số 5, khép kín các đường vành đai, khởi công 3 cầu qua sông Hồng.
Hà Nội sẽ triển khai rà soát và xử lý 712 dự án nhằm hạn chế tình trạng lãng phí đất đai, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng chống lãng phí.
Ban Chỉ đạo đã nhanh chóng đi vào hoạt động với 26 nhiệm vụ trọng tâm, tạo bước đột phá trong việc kiểm soát, ngăn chặn lãng phí và sử dụng hiệu quả nguồn lực công. Năm 2024, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Hà Nội vẫn còn một số tồn tại hạn chế như dự kiến 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ vận tải hành khách công cộng.
Bên cạnh đó GRDP cả năm dự kiến thấp hơn mức bình quân của cả nước; số thu tiền sử dụng đất tại một số quận, huyện còn đạt thấp. Chỉ số PCI và PAPI giảm bậc xếp hạng; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra; tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường được quan tâm chỉ đạo nhưng vẫn chậm được xử lý; tình trạng cháy, nổ trên địa bàn còn nguy cơ tiềm ẩn.
Về việc hạn chế phương tiện giao thông, theo dự thảo nghị quyết, Hà Nội chỉ cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền được lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Đồng thời sẽ cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp. Đáng chú ý, dự thảo nêu rõ sẽ hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực. Hà Nội cũng dự kiến sẽ ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Dự thảo nêu rõ sẽ hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực. (Ảnh minh hoạ).
Về thời gian áp dụng, dự kiến từ năm 2025 đến năm 2030, TP sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm. Từ năm 2031 trở đi, các khu vực tại Hà Nội thuộc các tiêu chí nằm trong vùng phát thải thấp sẽ phải thực hiện. Nếu nghị quyết trên được HĐND TP Hà Nội thông qua, từ năm 2025 Hà Nội sẽ cấm hoặc hạn chế xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 2 và mức 4 đối với xe ô tô đi vào một số khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm nằm trong vùng phát thải thấp.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, các công trình trọng điểm; sớm hoàn thành đường Vành đai 4, các nút giao thông cửa ngõ. Đặc biệt, theo thông tin từ Lãnh đạo TP.Hà Nội, thành phố tiếp tục đẩy mạnh đề án phân cấp ủy quyền đối với phân cấp trong 16 lĩnh vực và ủy quyền 653 thủ tục hành chính; làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, đảm bảo mỗi nhiệm vụ được thực hiện nhanh gọn, hiệu quả và đúng thẩm quyền. Bên cạnh đó, ứng dụng iHanoi đã ra mắt, tích hợp nhiều tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp, với gần 17 triệu lượt truy cập.
Ứng dụng tiếp nhận gần 24 nghìn kiến nghị và xử lý kịp thời gần 20 nghìn, đạt tỷ lệ 83,1%. Qua đó, từng bước góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cấp chính quyền đối với nhân dân.
Hà Nội cũng tiếp tục triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, nhằm định hình tương lai phát triển bền vững.
Với mức độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép trong suốt nhiều tháng qua, Hà Nội thường xuyên lọt vào danh sách các thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới. Theo các nghiên cứu, nồng độ bụi mịn tại Hà Nội có thể lên tới 150 µg/m3, cao gấp ba lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 50 µg/m3. Các nghiên cứu gần đây đánh giá, giao thông đường bộ chính là nguồn đóng góp lớn nhất vào ô nhiễm bụi PM2.5 tại Hà Nội.
Tùy vào từng điểm, mức độ đóng góp của các nguồn chiếm tỉ lệ khác nhau. Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất (từ 58% đến 74%)...Do đó, theo Lãnh đạo phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc triển khai "vùng phát thải thấp" là áp dụng các biện pháp cụ thể cho tất cả phương tiện giao thông đường bộ dựa trên tiêu chuẩn/quy chuẩn khí thải tại địa phương với lộ trình phù hợp nhằm bảo đảm tính phù hợp, khả thi và hiệu quả của chính sách ban hành.
Như Quỳnh
Bình luận