Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 16/05/2025 14:05
Thứ sáu, 16/05/2025 08:05
TMO – Hà Nội yêu cầu các địa phương xây dựng và thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức; vận động, thu hút, khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng thực hiện nhiệm vụ, đề xuất các sáng kiến nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải.
Tại Kế hoạch vừa ban hành về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030 trên địa bàn, Hà Nội phân công triển khai các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện chính sách, hướng dẫn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với chính quyền cấp huyện, xã điều tra, đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, thực hiện trong giai đoạn 2025-2030.
Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với chính quyền cấp huyện, cấp xã điều tra nguồn thải, phân loại chất thải rắn; tổng hợp thông tin xây dựng báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải hằng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.(Ảnh minh họa)
Các cơ sở xử lý chất thải và các doanh nghiệp phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Xây dựng, Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải thường xuyên trong cả giai đoạn.
Ngoài ra, các cơ sở xử lý chất thải phối hợp Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phù hợp với đặc điểm các khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn, thực hiện trong giai đoạn 2026-2030; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai các biện pháp, hoạt động, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong xử lý chất thải rắn và nước thải.
Các sở, ban, ngành và chính quyền cấp huyện, cấp xã xây dựng và thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức; vận động, thu hút, khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng, tổ chức phi chính phủ, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện nhiệm vụ, đề xuất các sáng kiến nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội sẽ điều tra, đánh giá, cập nhật hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; xây dựng kế hoạch và triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình và cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; hướng dẫn, triển khai các mô hình thí điểm về giảm phát thải khí nhà kính, khí metan trong lĩnh vực quản lý chất thải trên địa bàn.
Là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Hà Nội thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống và làm việc, dẫn đến sự quá tải về hạ tầng đô thị do gia tăng dân số, đi cùng với quá trình đô thị hóa nhanh khiến môi trường Thủ đô bị ô nhiễm. Điều này đặt ra bài toán khó cho các cấp chính quyền về phát triển đô thị gắn với bảo vệ được môi trường. Được biết, trung bình mỗi ngày, công nhân môi trường ở Hà Nội thu gom khoảng 7.000 tấn rác thải.
PHẠM DUNG
Bình luận