Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 16:01
Thứ năm, 17/08/2023 11:08
TMO - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc kiện toàn Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội theo quy định. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông làm Trưởng ban.
Theo đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp UBND Thành phố lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội. Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg (năm 2015) của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành Hà Nội; đề xuất cơ chế chính sách phù họp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời và phương án sắp xếp lại, xử lý các loại tài sản công; Giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện di dời.
Ban Chỉ đạo hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 5270/QĐ-UBND, ngày 16/12/2021, của UBND Thành phố.
Được biết, UBND TP Hà Nội đã chuẩn bị quỹ đất khoảng 450ha tại các khu công nghiệp để phục vụ cho việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô. Định hướng đối với việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp là ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị. Các cơ sở sản xuất công nghiệp có không gian, kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa sẽ được nghiên cứu để thực hiện bảo tồn, tôn tạo.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô Hà Nội thuộc diện di dời (khoảng 113 cơ sở) sau năm 2020, ngoài Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có diện tích khoảng 27ha, còn lại đa số có quy mô diện tích khá nhỏ (bình quân khoảng trên 0,3ha/cơ sở). Trong đó các cơ sở có không gian, kiến trúc mang giá trị văn hóa, lịch sử, rất cần nghiên cứu để tái thiết nhằm phát huy giá trị như Nhà máy Bia Hà Nội, Diêm Thống Nhất, Dệt kim Đông Xuân…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp khỏi nội đô Hà Nội còn chậm. Theo các chuyên gia, các không gian sáng tạo chuyển đổi từ khu công nghiệp có diện tích lớn cần được tận dụng làm nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị tầm cỡ khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, Nhà nước cần đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý, đầu tư vào việc chuyển đổi và có chính sách khuyến khích các thành phần khác tham gia.
Thảo Phương
Bình luận