Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 18:11
Thứ tư, 30/10/2024 06:10
TMO - Theo đó, thành phố đặt mục tiêu nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh các mô hình nuôi trồng thân thiện, và kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường trong quá trình nuôi trồng thuỷ sản, từ đó hướng tới sự phát triển bền vững.
Với tổng diện tích mặt nước lên tới 30.800 ha, trong đó có khoảng 24.200 ha nuôi trồng thủy sản, đây là một trong những tiềm năng và thế mạnh đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của thành phố Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội đang tận dụng lợi thế này để xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung công nghệ cao, nuôi thâm canh tại các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.
Tuy nhiên, để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững, việc chú trọng môi trường trong quá trình canh tác là vô cùng cấp thiết. Do đó, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, theo Quyết định số 911/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đề án này kỳ vọng đạt được nhiều mục tiêu cụ thể như kiểm soát chặt chẽ nguồn ô nhiễm từ các hoạt động nuôi trồng, chế biến và khai thác thủy sản. Thành phố đặt mục tiêu nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh các mô hình nuôi trồng thân thiện, hướng tới sự phát triển bền vững trong ngành thủy sản.
Đến năm 2030, Hà Nội kỳ vọng đạt được nhiều mục tiêu cụ thể như kiểm soát chặt chẽ nguồn ô nhiễm từ các hoạt động nuôi trồng, chế biến và khai thác thủy sản. Đặc biệt, đề án phấn đấu chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng, bảo đảm an toàn nguồn nước và ngăn ngừa suy thoái đa dạng sinh học.
Thành phố cũng đặt mục tiêu xây dựng hệ thống quan trắc môi trường để tạo cơ sở dữ liệu về môi trường thủy sản, hỗ trợ quản lý hiệu quả và cảnh báo kịp thời. Ngoài ra, 100% cán bộ, công chức và 80% doanh nghiệp, hộ nuôi trồng sẽ được tập huấn về pháp luật bảo vệ môi trường, trong khi diện tích nuôi trồng áp dụng quy trình VietGap tăng 8% mỗi năm, giúp thúc đẩy mô hình tuần hoàn, giảm thiểu xả thải. Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội xây dựng một loạt nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Trước hết, thành phố sẽ hoàn thiện các cơ chế và chính sách về bảo vệ môi trường, nghiên cứu, bổ sung các chính sách, nhằm khuyến khích doanh nghiệp và hộ gia đình áp dụng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Hoạt động tuyên truyền sẽ được tăng cường để giúp các tổ chức, cá nhân trong ngành thủy sản nhận thức rõ ràng về vai trò tiên quyết của môi trường đối với sự phát triển bền vững. Đề án tập trung vào việc đánh giá và quản lý nguồn thải từ các hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 100% cán bộ, công chức, 80% doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thuỷ sản được tập huấn về pháp luật bảo vệ môi trường. (Ảnh minh hoạ).
Thành phố sẽ đánh giá hiện trạng nguồn thải, đưa ra giải pháp quản lý phù hợp và triển khai các mô hình nuôi trồng hữu cơ, tuần hoàn, tiết kiệm nước, hạn chế xả thải. Hà Nội cũng xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường, nhằm hỗ trợ quản lý ngành thủy sản, cập nhật cơ sở dữ liệu quan trắc để phục vụ công tác quản lý và ra quyết định chính xác.
Việc kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện nghiêm ngặt để xử lý các vi phạm như xả thải không đúng quy định hoặc lạm dụng hóa chất. Với lộ trình cụ thể và định hướng phát triển bền vững, Hà Nội kỳ vọng không chỉ bảo vệ hệ sinh thái thủy sản, mà còn góp phần vào chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng một môi trường sống trong lành cho cộng đồng…
Hà Nội đang xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản và xây dựng các vùng nuôi công nghiệp, công nghệ cao sản xuất thủy sản hàng hóa lớn. Mục tiêu đến năm 2030 là đạt diện tích chăn nuôi thủy sản 25.000 ha, trong đó vùng chăn nuôi thủy sản tập trung là 10.000 ha với năng suất khoảng 15 tấn/ha/năm, đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố, đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu trên, việc chú trọng bảo vệ môi trường nuôi là rất quan trọng. Nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, gia tăng giá trị, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả nhiều giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản có áp dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, đặc biệt là trong khâu quản lý môi trường và dịch bệnh.
Thành phố Hà Nội đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong ngành nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển kinh tế địa phương và bảo vệ môi trường sống của người dân thủ đô. Với những giải pháp và chiến lược đã đề ra, ngành thủy sản Hà Nội hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ, hướng tới bảo vệ môi trường nuôi an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững cho thành phố.
Hải Anh
Bình luận