Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 06:11
Thứ năm, 07/04/2022 16:04
TMO - Phân loại rác tại nguồn giữ vai trò quan trọng trong cải thiện chất lượng môi trường. Tuy nhiên, thời gian qua phân loại rác tại nguồn mới chỉ được triển khai ở quy mô nhỏ tại một số địa phương mà chưa trở thành quy định bắt buộc.
Huyện Đông Anh là một trong những địa phương của Hà Nội triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn một số xã. Tổng lượng rác phát sinh hàng ngày trong năm 2021 giảm trung bình 12 tấn/ngày so với năm trước đó.
Trong đó có 3 xã đã triển khai 100% các thôn trong xã, gồm Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng; 20 xã, thị trấn còn lại mỗi xã, thị trấn triển khai đến ít nhất một thôn hoặc tổ dân phố làm điểm. Đến hết tháng 2/2022 đã có 7.621 người tham gia triển khai mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ. Số hộ tham gia đăng ký tăng 146,81% so với giai đoạn đầu (5.191 người).
Các hộ dân tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh thực hiện phân loại rác tại vườn, sử dụng rác phân hủy làm phân bón cho rau trồng
Tại báo cáo của Phòng TN&MT huyện Đông Anh, năm 2021, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh là 227 tấn/ngày; trong khi đó, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong năm 2020 là 239 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 thấp hơn so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình.
Kết quả kiểm kê từ hộ gia đình cho thấy, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 – 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ. Khi tiến hành kiểm kê rác 9 xã tại huyện Đông Anh (với 309 hộ gia đình), lượng rác hữu cơ được phân loại xử lý tại hộ gia đình là 59%, rác tái chế thu gom cho ve chai 12% và rác còn lại để đổ là 29%.
Người dân thực hiện xử lý, ủ rác hữu cơ thành phân bón
Thời gian qua, việc phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ đã trở thành thói quen của nhiều hộ gia đình tại thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Rác thải hữu cơ như cơm thừa, rau, quả bỏ đi được người dân cho vào thùng rác và để ngay tại vườn. Loại rác này được cho thêm chế phẩm sinh học do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cung cấp giúp rác hữu cơ phân hủy trở thành chất dinh dưỡng dùng để tưới, bón cho cây trồng.
Tại địa phương này, từ khi người dân áp dụng mô hình phân loại rác tại hộ gia đình, các loại rác thải tái chế hay rác thải hữu cơ được phân loại cho vào túi nylon sẽ đảm bảo vệ sinh cho người vận chuyển, việc xử lý cũng được thuận tiện.
Yêu cầu phân loại rác tại nguồn đã được một số địa phương trên cả nước áp dụng triển khai để cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn. Tại tỉnh Quảng Ninh từ ngày 1/1/2022, thành phố Hạ Long triển khai đồng loạt các phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải xây dựng.
Cụ thể, đối với chất thải rắn sinh hoạt, việc phân loại được áp dụng ngay từ các hộ gia đình, tổ chức, cơ quan, trường học, khu vực công cộng và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Sau khi phân loại, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được lưu giữ bằng 2 loại thùng có màu sắc khác nhau. Nếu chất thải rắn sinh hoạt không được tổ chức phân loại ngay từ đầu nguồn thì thành phố yêu cầu các công ty môi trường từ chối thu gom.
Phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh Long An đã thu được những kết quả tích cực
Tại Long An, Dự án “Quản lý rác thải ở Đồng bằng sông Cửu Long” của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) do Đức tài trợ đã và đang cải thiện thực trạng quản lý rác thải để ngăn chặn các nguồn rác thải gây ra ô nhiễm môi trường và đại dương.
Sau thời gian thí điểm tại khu vực đô thị (thuộc Phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An) từ tháng 8/2020 đến nay, dự án đã thu được một số kết quả khả quan: Hơn 85% người dân ủng hộ phân loại rác tại nguồn, giảm 30% - 40% lượng rác thải mang đi đốt/chôn lấp (là lượng rác hữu cơ được tách ra khỏi rác hỗn hợp để làm phân hữu cơ).
Với những kết quả tích cực trong quá trình cải thiện chất lượng môi trường tại các địa phương ở trên, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm cần thiết. Việc phân loại đó sẽ làm giảm đáng kể lượng chất thải chuyển về các địa điểm tập trung chôn lấp rác nhưng rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là tại các hộ gia đình để việc xử lý rác thải được thuận lợi, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Hồng Điệp
Bình luận