Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 20:11
Thứ ba, 04/07/2023 19:07
TMO – Từ 01/01/2023, công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Theo phân cấp, UBND cấp huyện thực hiện quản lý công tác duy trì vệ sinh môi trường (VSMT) trên địa bàn, thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư đối với công tác thu gom, vận chuyển.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đối với thu gom, tập kết, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, theo phân cấp, UBND quận, huyện, thị xã là đơn vị trực tiếp quản lý thu gom, vận chuyển rác thải phát sinh trên địa bàn, thực hiện duy trì vệ sinh đường phố bằng cơ giới kết hợp thủ công; duy trì vệ sinh đường phố bằng xe quét hút; duy trì vệ sinh hè phố bằng thủ công; thu gom rác đường phố ca đêm; duy trì vệ sinh ngõ xóm; thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt về nơi xử lý.
Hiện nay, về các trạm trung chuyển quy mô cấp huyện, một số trạm trung chuyển đã đầu tư, vận hành theo hình thức xã hội hóa tại: Lâm Du, quận Long Biên; Phú Minh huyện Phú Xuyên; Cao Dương huyện Thanh Oai. Các điểm chuyển tải, tập kết rác thải trên địa bàn các huyện được xác định tại các vị trí phù hợp, gần đường giao thông thuận tiện cho việc tập kết, thu gom vận chuyển rác thải.
(Ảnh minh họa)
Đối với phân loại rác tại nguồn, triển khai quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 về phân loại rác, UBND Thành phố đã chỉ đạo xây dựng Đề án phân loại phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Sau khi có Thông tư hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường (hiện đang trong quá trình soạn thảo theo quy định tại khoản 5 điều 79 Luật Bảo vệ môi trường), UBND Thành phố sẽ chỉ đạo hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, mặt bằng hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn Thành phố không đồng đều nên khó áp dụng đồng bộ về cơ giới hóa công tác duy trì vệ sinh môi trường, khó khăn trong việc xác định vị trí các điểm trung chuyển, tập kết tạm thời. Hiện còn một số địa phương còn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng phân cấp; công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm và nâng cao ý thức của cộng đồng chưa được thực hiện thường xuyên. Năng lực một số đơn vị duy trì vệ sinh môi trường còn chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn chưa hiệu quả, người dân còn chưa quan tâm tới việc phân loại rác, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh môi trường còn chưa nghiêm, còn tình trạng xả rác bừa bãi. Do đó, đối với việc thí điểm mô hình đổi mới công nghệ kết hợp với phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp UBND các Quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm và huyện Gia Lâm...xây dựng phương án thí điểm "kiểu mẫu về môi trường triển khai công tác phân loại rác tại nguồn đồng bộ với hoạt động duy trì vệ sinh môi trường". Trong đó, sẽ đề xuất thí điểm mỗi địa bàn quận/huyện lựa chọn 01 phường/xã có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xã hội và đặc điểm về dân cư khác nhau làm cơ sở thực hiện.
PV
Bình luận