Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ ba, 10/09/2024 20:09
TMO - Trước tình hình mưa kéo dài, lũ sông Hồng lên cao, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai ứng phó với nguy cơ ngập lụt, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa lớn nhiều ngày, các hồ thủy điện phải mở một số cửa xả đáy khiến sông Hồng qua khu vực Hà Nội dâng lên sát mức báo động. Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tính đến 17h30 ngày 10/9 lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Hồng (Hà Nội), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên. Mực nước lúc 17h30 ngày 10/9 trên sông Hồng tại Hà Nội 10,10m, dưới BĐ2 0,4m.
Dự báo, trong 12 giờ tới lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh ở dưới mức BĐ2. Trong 12- 24 giờ tiếp theo lũ trên Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên và dao động ở dưới mức BĐ2. Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Trước dự báo trên, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã chủ động phương án ứng phó, bảo đảm an toàn cho người dân cũng như hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Tại quận Tây Hồ, 5 phường có bãi ngoài sông Hồng trên địa bàn quận đã chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời khoảng 1.000 nhân khẩu khi mực nước sông Hồng dâng cao, gây ngập lụt các khu dân cư trũng, thấp. Do nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt khu vực tại một số khu vực ven sông, quận Tây Hồ (Hà Nội) đã chuẩn bị phương án di dời hàng nghìn hộ dân với trên 3.500 nhân khẩu.
Hiện các phường Thụy Khuê, Phú Thượng đã tổ chức vận động, hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Kết quả, phường Phú Thượng đã di dời 245 nhân khẩu tại khu vực bãi sông Hồng và bãi giữa sông Hồng. Phường Thụy Khuê di chuyển 14 hộ gia đình tại Khu tập thể P16A Thụy Khuê sang Trung tâm Phát triển Phụ nữ (số 20 đường Thụy Khuê). Ngoài ra, hơn 300 băng rôn, banner quảng cáo trên các tuyến phố đã được tháo dỡ để bảo đảm an toàn khi có bão.
Nước sông Hồng dâng cao khiến nhiều điểm thuộc 4 phường ngoài đê quận Tây Hồ bị ngập.
Lãnh đạo quận Tây Hồ đã chỉ đạo các phường tổng rà soát các hộ dân, nhân khẩu, nhà cấp 4 khu vực ngoài đê sông Hồng để chuẩn bị phương án di dời trong trường hợp nước lũ dâng cao. Hiện nay, Ủy ban nhân dân phường Phú Thượng đã chuẩn bị phương án di dời khoảng 1.116 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu về Trung tâm văn hóa của phường và nhà sinh hoạt các tổ dân phố. Ủy ban nhân dân phường Yên Phụ có phương án di dời khoảng 130 hộ dân với trên 500 nhân khẩu về Trung tâm văn hóa phường và nhà sinh hoạt các tổ dân phố khi mực nước sông Hồng dâng cao, gây ngập lụt các khu dân cư trũng, thấp.
Tại quận Bắc Từ Liêm, sông Hồng chảy qua địa bàn quận Bắc Từ Liêm tại bốn phường: Thượng Cát, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc. Mực nước sông Hồng đã dâng cao hơn 10,5m, trên mức báo động 1 và mỗi 1 giờ mực nước sông Hồng dâng lên 10cm. Bốn phường ven đê sông Hồng của quận Bắc Từ Liêm có hơn 800 hộ ở ngoài đê. Trong đó, phường Đông Ngạc có 340 hộ, Liên Mạc 147 hộ, Thụy Phương 75 hộ và Thượng Cát 240 hộ.
Qua rà soát, tính đến 14 giờ ngày 10-9, bốn phường ven đê sông Hồng của quận Bắc Từ Liêm cần di dời 567 hộ dân đến nơi an toàn. Các phường ven sông Nhuệ, sông Pheo (gồm Minh Khai, Phú Diễn, Cổ Nhuế 1, Đức Thắng, Phúc Diễn, Tây Tựu, Cổ Nhuế 2) có 553 hộ ngoài đê. Đây cũng là số hộ dân cần di dời đến nơi an toàn. Hiện quận đang di dời khoảng 1.120 hộ dân, bảo đảm hoàn thành trong ngày 10-9.
Quận Bắc Từ Liêm đã lập Sở Chỉ huy tại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa bàn trọng điểm. Đồng thời phối hợp cùng bảy đơn vị quân đội với khoảng 900 cán bộ, chiến sĩ, 17 xe ô tô tải, 4 xuồng máy, máy phát điện, phao cứu sinh, nhà bạt ứng trực tại 13 cửa khẩu đê sông Hồng, sẵn sàng xử lý khi có sự cố đê điều. Quận cũng huy động gần 3.000 người là lực lượng tại chỗ ứng trực tại các điểm canh đê và cửa khẩu đê. Ông Tuyên cho hay, các phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã chuẩn bị các điểm sơ tán dân đến nơi an toàn như trường học, nhà văn hóa, bảo đảm đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân.
Huyện Đan Phượng chủ động di dời người dân, tài sản tại các khu vực ngập sâu do nước lũ. Ảnh: TT.
Trước diễn biến mực nước sông Hồng lên cao, huyện Đan Phượng đề nghị các xã, thị trấn tổ chức trực ban 24/24 giờ, sẵn sàng phương án hộ đê, khắc phục các sự cố. Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 28 hộ chăn nuôi với 1.885 con lợn; 86 con trâu, bò, chó mèo; 8.762 gia cầm. Hiện chưa có thiệt hại về người. Theo rà soát, huyện Đan Phượng có 196 hộ dân tại xã Trung Châu có nguy cơ ngập với số nhân khẩu phải di dời là 290. Trong đó, tại thôn 10, thôn 11, Vạn Vỹ có 17 hộ gia đình chính sách và 69 nhà cấp 4.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đan Phượng tiếp tục tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nước sông, triển khai ngay các phương án phòng chống lũ theo phương án được phê duyệt đảm bảo an toàn cho người dân. Triển khai các lực lượng xung kích, phòng chống thiên tai thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng thực hiện phương án hộ đê, khắc phục các sự cố. Xây dựng phương án ứng phó với tình huống lũ sông Hồng lên báo động số 1, 2, 3 để có các giải pháp ứng phó, khắc phục kịp thời.
Theo báo cáo của UBND huyện Mỹ Đức, tính đến 16 giờ ngày 10/9, mực nước sông, hồ dâng cao khiến 3 trường học tại xã Hương Sơn bị ngập. Số nhà bị nước tràn vào là 104 nhà (các nhà vùng trũng, ven sông, ngoài đê). Đến thời điểm hiện tại đã di dời 147 hộ dân trong vùng trũng, nhà bị ngập đến nơi an toàn.
Để ứng phó với bão lũ, Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT& TKCN huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy lợi Mỹ Đức, các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp tiêu nước đệm trong đồng và trên các trục kênh tiêu; đồng thời đóng điện các trạm bơm tiêu và vận hành 25 trạm bơm với 94 tổ máy, tổng lưu lượng 358.400m3/h để tiêu úng. các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã huy động lực lượng trên 500 người; 12 ô tô, công nông; 5 máy xúc; 2 cưa máy; khoảng 200m3 cát; 20m3 đất; trên 2.200 bao tải cát để chống tràn trên các tuyến đê.
Tại huyện Chương Mỹ, từ 9h ngày 10/9 mực nước sông Bùi đã trên mức báo động 3. Nước lên nhanh khiến đê Bùi 2 bị tràn, 5 xã với 9 thôn, 450 hộ dân và 1.200 nhân khẩu bị ngập. Huyện đã sơ tán 361 hộ ở 4 thôn. Nếu mưa tiếp diễn, dự kiến trong 2-3 ngày tới, nước sông Bùi sẽ lên 7,4m và nguy cơ ngập ở 22 thôn của 8 xã. Số nhân khẩu dự kiến bị ngập khoảng 3.500 nhân khẩu (tương ứng 2.800 hộ)
Địa phương này đã chuẩn bị sẵn sàng 11 xuồng máy, máy đẩy các loại, 4 bè cứu sinh, 115 nhà bạt, nhà dù các loại, 135 phao tròn cứu sinh, 815 áo cứu sinh... Xí nghiệp đầu tư Phát triển thủy lợi huyện thường xuyên kiểm tra 22 trạm bơm tiêu, đảm bảo vận hành 91 máy, điều tiết giảm nước 3 hồ (Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu). 100% các xã, thị trấn tổ chức trực 24/24h, sẵn sàng huy động 5.063 lực lượng xung kích và 357 phương tiện tham gia; dự trữ đất, cát 16.640m3, 100.000 bao tải. Lực lượng chức năng đã và đang hỗ trợ nhân dân kê kích tài sản, di chuyển người, vật nuôi khu vực không an toàn đến nơi trú tránh.
Các địa phương khẩn trương gia cố, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê trên địa bàn. Ảnh: BTNMT.
Tại huyện Phú Xuyên, trước tình hình mực nước sông Hồng dâng nhanh khu vực ngoài đê của huyện Phú Xuyên đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, tại khu dân cư Bãi Chim, xã Khai Thái, nước lũ đã gây ngập và chia cắt giao thông. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, yêu cầu các lực lượng nhanh chóng sơ tán người dân và di dời tài sản, vật nuôi ra khỏi vùng nguy hiểm. Đến chiều 10/9, đã có tổng số 68 hộ gia đình ở khu vực Bãi Chim thuộc xã Khai Thái đã được chính quyền địa phương vận động và kịp thời hỗ trợ di dời an toàn đến địa điểm trường mầm non của xã ở phía bên trong đê.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phú Xuyên, Thường Tín đã yêu cầu: Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn, các phòng ban chuyên môn, Xí nghiệp thủy lợi Hồng Vân, Sông Nhuệ, Hạt quản lý đê, Công ty Điện lực huyện khẩn trương thực hiện các giải pháp. UBND các xã ven sông Hồng, ven sông Nhuệ thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của mưa, bão và mực nước trên các sông. Tổ chức tuyên truyền, thông báo cho người dân ở những vùng thấp, vùng trũng có khả năng bị úng, ngập biết để di dời tài sản, phương tiện, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. Chuẩn bị phương tiện, con người, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó đối với mọi tình huống mưa bão.
Đối với những địa phương đang có hiện tượng sụt sạt bờ sông Nhuệ như: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Tiền Phong, Tân Minh, Phượng Dực, Văn Hoàng… khẩn trương bố trí lực lượng theo dõi, ứng trực tại các vị trí xung yếu; sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn.../.
Lê Minh
Bình luận