Hotline: 0941068156
Thứ năm, 24/04/2025 06:04
Thứ ba, 22/04/2025 06:04
TMO - Trước những diễn biến ngày càng phức tạp và cực đoan của thời tiết, Hà Nội đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó thiên tai một cách linh hoạt, bám sát thực tế nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn cho người dân và ổn định đời sống, kinh tế- xã hội trong mùa mưa bão năm 2025.
Năm 2024 đánh dấu một năm đối mặt với nhiều thách thức do thiên tai cực đoan tại Việt Nam. Các loại hình thiên tai diễn ra ở quy mô rộng, mức độ nghiêm trọng chưa từng có, gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Việc nâng cao năng lực ứng phó, chủ động phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai là vấn đề cấp bách cần được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, bão số 3 năm 2024 và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết, mất tích, gấp 2 lần thiệt hại về người cả năm 2023. Tổng thiệt hại vật chất gần 83.746 tỷ đồng, gấp tới 9 lần thiệt hại về vật chất do thiên tai cả năm 2023.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, so với các tỉnh, thành phố ven biển hoặc trung du, miền núi phía Bắc, Hà Nội là địa phương ít chịu ảnh hưởng của thiên tai hơn. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn thành phố cũng như các quận, huyện, thị xã không chủ quan. Do đó, ngay từ những tháng đầu năm 2025, thành phố Hà Nội đã sớm triển khai công tác ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn mùa mưa bão.
Theo đó, thành phố chủ động cắt tỉa cây xanh nhằm hạn chế cây gãy đổ, xây dựng kế hoạch ứng trực 24/24h để kịp thời giải quyết các sự cố thoát nước… Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2025, thành phố dự kiến cắt tỉa khoảng 395.000 cây xanh đô thị kết hợp chỉnh trang đồng bộ trên các tuyến đường, nhằm nâng cao thẩm mỹ, hạn chế cây gãy đổ trong mùa mưa bão. Đại diện Không gian ngầm và cây xanh, chiếu sáng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Sở yêu cầu các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng trực 24/24h, lên phương án giải quyết đảm bảo an toàn mùa mưa bão.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực cùng các phương tiện, thiết bị cơ giới để giải tỏa trên các trục đường chính, giải tỏa ách tắc giao thông đối với cây bóng mát bị đổ, cành gãy. Trường hợp khối lượng lớn cần huy động, bổ sung đơn vị hỗ trợ phối hợp giải tỏa thì các đơn vị khẩn trương báo cáo để Sở Xây dựng để phối hợp cùng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội để huy động, điều động tăng cường các đơn vị thuộc lực lượng dự phòng để tham gia giải tỏa khẩn cấp tại hiện trường.
TP. Hà Nội chủ động cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão 2025.
Để ứng phó mùa mưa bão năm 2025, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã phối hợp với các sở ngành, UBND các quận kiểm tra, khảo sát cây sâu mục nguy hiểm, cây chết khô. Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Trong quý I, công ty đã cắt tỉa khoảng 8.000 cây, trong quý II dự kiến cắt tỉa khoảng 10.000 cây để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông trong mùa mưa bão. Đối với tất cả các trường hợp cây đổ, cành gãy, đơn vị đã phân công cụ thể, từng địa bàn, giao từng cán bộ phụ trách. Bố trí trực 24/24h, nếu có sự cố gãy, đổ cây, chúng tôi sẽ điều động triển khai thực hiện ngay.
Với những trận mưa có cường độ cao tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm trở lên sẽ gây quá tải cho hệ thống thoát nước, ghi nhận phát sinh thêm 19 điểm úng ngập cục bộ và một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp. Đại diện phòng Quản lý Hạ tầng cấp, thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Để khắc phục tình trạng ngập úng mùa mưa bão, Sở đã đôn đốc các đơn vị duy trì thoát nước triển khai nạo vét hệ thống mương, sông, kênh được thực hiện tập trung theo từng lưu vực, đồng bộ với nạo vét các tuyến cống thoát nước chính, đảm bảo độ dốc thủy lực và cao độ mực nước khống chế của hệ thống...
Các tuyến kênh dẫn vào ra các trạm bơm như Yên Sở, Đồng Bông, Bắc Thăng Long - Vân Trì được nạo vét trước mùa mưa. Lập đường dây nóng đặt tại Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị thoát nước để tiếp nhận và xử lý thông tin, kịp thời giải quyết các sự cố thoát nước khi mưa đối với từng khu vực, từng vị trí có nguy cơ xảy ra úng ngập.
Sở đã xây dựng phương án ứng trực, xử lý cụ thể cho 11 điểm úng ngập đã tồn tại nhiều năm và các điểm đọng nước khi mưa lớn, bố trí sẵn nhân lực và thiết bị phù hợp để giải quyết xử lý trong thời gian nhanh nhất, giảm thiểu thời gian và mức độ úng ngập. Sở cũng yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố phối hợp với các đơn vị lập bản đồ ngập lụt tương ứng với các "kịch bản mưa" với đầy đủ thông tin vị trí điểm úng ngập, mức độ ngập, hình ảnh điểm ngập…
Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, ngày 14/3/2025, UBND TP.Hà Nội ban hành chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 trên địa bàn TP.Hà Nội.
Hà Nội bố trí sẵn nhân lực và thiết bị phù hợp để giải quyết xử lý các điểm ngập úng.
Chị thị nêu rõ, năm 2025, dự báo tình hình biến đổi khí hậu, môi trường, thời tiết, thiên tai tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường; các sự cố cháy, nổ, sập đổ công trình, tình hình dịch bệnh,… vẫn tiềm ẩn, có khả năng gây nhiều rủi ro, thiệt hại.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục kịp thời, khẩn trương, hiệu quả các sự cố, thiên tai có thể xảy ra, hạn chế thiệt hại, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục chủ động, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng như tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Thành phố trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm công tác năm 2024, xác định phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 (hoàn thành trước ngày 15/4/2025). Cụ thể: Rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cần hoàn thành của năm 2025 và giai đoạn 2021-2025; Kịp thời xây dựng, phê duyệt, sẵn sàng triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 theo phương châm "4 tại chỗ"; tổ chức xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai đến năm 2030; phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định;…
Theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thời tiết, thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, môi trường; đảm bảo thông tin thông suốt, thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, báo cáo theo quy định; thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm, xung yếu, các công trình đê điều, thủy lợi, cơ sở hạ tầng và các công trình phòng, chống thiên tai; theo dõi chặt chẽ khu vực, công trình có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, cháy, nổ, sập đổ công trình… để kịp thời phát hiện vi phạm, hư hỏng, sự cố, nguy cơ mất an toàn; chủ động sơ tán, di dời, có biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản…/.
Nhữ Mai
Bình luận