Hotline: 0941068156
Thứ ba, 20/05/2025 10:05
Chủ nhật, 18/05/2025 14:05
TMO - TP. Hà Nội xác định 5 trọng điểm xung yếu cần được ưu tiên bảo vệ, bao gồm: khu vực đê, kè Xuân Canh - Cống Long Tửu (Đông Anh), cống Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), cống Cẩm Đình (Phúc Thọ), đoạn đê, cống Tân Hưng - Cẩm Hà (Sóc Sơn), và cụm công trình cống qua đê Yên Sở (Hoàng Mai).
Trên cơ sở “Báo cáo đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2025 - TP.Hà Nội” và kết quả kiểm tra, theo dõi thực tế, thành phố xác định còn 5 trọng điểm xung yếu cấp Thành phố cần đặc biệt chú trọng trong công tác phòng, chống lụt bão năm 2025.
Tại trọng điểm xung yếu đê, kè Xuân Canh - Cống Long Tửu (K0+000 ÷ K2+000 đê tả Đuống, huyện Đông Anh), hiện tượng sạt trượt tại chân và mái kè đang uy hiếp trực tiếp đến an toàn đê. Thành phố yêu cầu xử lý khẩn trương bằng giải pháp thả đá rời kết hợp rọ đá gia cố khu vực sạt trượt dài 30m, nhằm hạn chế tối đa sự lan rộng của sự cố. Công tác xử lý phải hoàn thành trong vòng 24 giờ liên tục.
Tại trọng điểm xung yếu cống Liên Mạc, phương án xử lý được triển khai gồm: Điều tiết cống ĐTHL Liên Mạc để nâng mực nước hạ lưu cống Liên Mạc lên từ (+7,0)m đến (+10,0)m, bảo đảm cột nước chênh lệch giữa thượng và hạ lưu không vượt quá 3,5m. Sử dụng cần cẩu đứng trên cầu để hạ phai thép và rọ đá tại cửa cống bị kẹt, kết hợp sà lan hỗ trợ phía thượng lưu do sàn (+8,2)m đã ngập. Đồng thời, hoành triệt cửa van bằng bao tải đất từ thượng và hạ lưu đến cao trình (+8,2)m; vận hành cống ĐTHL Liên Mạc để tiêu thoát nước rò rỉ qua cửa van bị hoành triệt, đảm bảo mực nước hạ lưu đúng theo yêu cầu.
Tại trọng điểm xung yếu Cống Cẩm Đình, cần bị lực lượng xung kích và vật tư, phương tiện tại chỗ. Phương án xử lý bao gồm: Đắp đập phía thượng lưu cách cống 100m sau đó làm giảm áp lực thấm hạ lưu; hoành triệt cống; làm tầng lọc ngược tại vị trí lỗ phụt để giữ lại những hạt bùn, cát đùn ra. Ngoài ra, cần sẵn sàng Phương sơ tán người và tài sản, đảm bảo an toàn cho nhân dân của 11 xã thuộc 2 huyện Phúc Thọ và Đan Phượng trong trường hợp khẩn cấp.
Các địa phương bảo đảm an toàn hệ thống đê điều mùa mưa lũ (Ảnh minh họa).
Trọng điểm xung yếu số 4, từ K22+500 đến K26+000, đặc biệt đoạn đê, cống Tân Hưng - Cẩm Hà (K24+950 - K25+300) thuộc đê hữu Cầu qua xã Tân Hưng, xã Bắc Phú (Sóc Sơn), cần được kiểm tra, xác định chính xác vị trí và kích thước từng lỗ sủi. Sau đó, tiến hành đánh dấu, xử lý bằng cách trải đều phên rơm rạ, thanh tre, tiếp đến là các lớp bao tải cát thô, bao tải sỏi và bao tải đá dăm. Với các bãi sủi nền ít bùn, lớp bùn mỏng dưới 10cm, có thể bỏ trực tiếp bao tải cát mà không cần lót phên rơm rạ.
Trọng điểm xung yếu số 5: Cụm công trình cống qua đê Yên Sở, tương ứng K78+078 và K78+108 đê hữu Hồng - Quận Hoàng Mai. Ngay khi phát hiện sự cố mạch sủi ở phía trên đỉnh cống, tiến hành quây bờ bao có vòng trong cách lỗ phụt 0,5m, đầu tiên là lớp bao tải cát thô 40cm tiếp đến là bao tải sỏi 20cm, đá dăm 20cm. Bắc máng dẫn nước đổ ra xa bờ bao. Độ cao bờ bao phải cao hơn mực nước trong lỗ phụt. Trường hợp độ sâu mực nước trên 1m cần mở rộng độ dày của bờ bao tương ứng để đảm bảo ổn định của bờ.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố sẽ chỉ huy chung và phối hợp với các quận, huyện trong việc triển khai các phương án ứng phó. Các địa phương cũng được yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động huy động nguồn lực để xử lý kịp thời các sự cố. Phương án này không chỉ nhằm bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều mà còn góp phần đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Sở Nông nghiệp và Môi trường thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm xung yếu phòng, chống thiên tai năm 2025 phù hợp với tình hình thực tế; căn cứ phương án dự kiến tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn TP, chủ động rà soát đặc điểm tình hình đê điều theo phương án tổ chức mới để cập nhật.
Năm 2024, trên địa bàn TP.Hà Nội xuất hiện nhiều loại hình thời tiết, thiên tai cực đoan; trong đó ảnh hưởng trực tiếp 2 cơn bão, 7 đợt mưa vừa, mưa to đến rất to. Các sông chính của Hà Nội xuất hiện 4-6 trận lũ trong đó có 1 trận đặc biệt lớn so với gần 20 năm vừa qua. Đỉnh lũ trên mức báo động cấp III tại sông Bùi kéo dài tới 18 ngày, sông Tích 19 ngày, sông Cà Lồ 6 ngày...
Về tình hình thiên tai trong những tháng còn lại của năm 2025, theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, từ nay đến tháng 7, trên Biển Đông có thể xuất hiện 2-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới; trong đó có 1 cơn có khả năng ảnh hưởng đến thành phố Hà Nội. Trong khoảng thời gian này, Hà Nội xuất hiện 2-4 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng kèm dông, sét, mưa đá, gió giật mạnh. Mùa mưa lũ 2025, trên các sông của Hà Nội có thể xuất hiện 3-5 đợt lũ. Đáng chú ý, mực nước đỉnh lũ trên các sông: Tích, Bùi, Nhuệ, Cà Lồ có khả năng đạt từ báo động lũ cấp II đến báo động cấp III, thời gian xuất hiện là từ cuối tháng 7, tháng 8 hoặc đầu tháng 9.
Để giảm thiệt hại do thời tiết, thiên tai gây ra trong năm 2025, lãnh đạo UBND TP yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 02 của Chủ tịch UBND Thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trước các tình huống thiên tai, sự cố…
Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cần nghiên cứu, đề xuất đầu tư các tuyến đê bền vững hơn 1 cấp so với tiêu chuẩn hiện nay; xây dựng các tuyến đê theo hướng nâng tải trọng, kết hợp với giao thông; cải tạo hệ thống đê điều phải gắn với chỉnh trang đô thị; tiếp tục nghiên cứu, bảo đảm khả thi giải pháp phòng, chống lũ rừng ngang… bảo đảm an toàn, phát triển bền vững trước thiên tai, sự cố.../.
Thu Hà
Bình luận