Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 18:01
Thứ hai, 19/02/2024 11:02
TMO – Hà Giang cần định hướng phát triển về kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, xanh và bền vững gắn với sinh thái, văn hóa; phát triển nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hoá chất lượng cao; phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Theo Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Không gian kinh tế-xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm về môi trường, sinh thái.
Phấn đấu đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8%/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 22 - 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 29,0%; dịch vụ chiếm khoảng 43 - 44%; Thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 4 - 5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 95 triệu đồng. Về văn hóa - xã hội, chỉ số phát triển con người HDI đạt khoảng 0,8. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt trên 75%. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều hàng năm bình quân đạt 4%/năm. Đến năm 2050, Hà Giang phấn đấu phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
(Ảnh minh họa)
Tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Giang hôm 18/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngoài những thuận lợi, Hà Giang cũng có không ít khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội như: Địa hình đồi núi, hiểm trở, chia cắt, cách xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, không gian phát triển hạn chế; Nền kinh tế nhỏ, cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp; Hạ tầng giao thông rất khó khăn; Nhiều lĩnh vực như kinh tế biên mậu, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu bền vững.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Quy hoạch tỉnh Hà Giang đã thể hiện được tư tưởng đổi mới, với tư duy, tầm nhìn chiến lược và đầy khát vọng hướng tới sự phát triển toàn diện, bền vững gắn với mục tiêu phát triển hướng tới xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%. Ngoài ra, Quy hoạch tỉnh Hà Giang đã cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng việc tăng cường công tác giữ đất, giữ rừng, giữ dân; củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Thể hiện sự bứt phá, có tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tạo ra tiềm năng mới, không gian mới, động lực mới và các giá trị mới, bao gồm: Định hướng phát triển về kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, xanh và bền vững gắn với sinh thái, văn hóa; phát triển nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hoá chất lượng cao; phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Về triển khai thực hiện Quy hoạch, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Hà Giang cần quan tâm thực hiện 7 nhiệm vụ chính: Theo đó, cần bám sát các chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh về phát triển trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng;
Phải huy động tốt các nguồn lực để thực hiện. Đặc biệt, tỉnh phải tranh thủ tối đa sự hỗ trợ nguồn lực của trung ương, kết hợp với sự huy động các nguồn lực từ nội sinh; đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực từ bên ngoài, từ các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thông qua việc quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư để thực hiện quy hoạch; Trong quá trình triển khai cần đặc biệt chú ý đến việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực, các tài nguyên, nhất là đất đai. Chủ động nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách đột phá; xác định có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đầu tư các công trình có tính chất chiến lược, các dự án động lực, có tính lan tỏa lớn và có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hộ;
Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch. Rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành theo quy định, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh; Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển. Trong đó, cần chú trọng việc duy trì, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của Hà Giang; phát triển con người, nâng chất lượng cuộc sống của người dân; chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tập trung cải cách hành chính; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.
BÙI HOÀNG
Bình luận