Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 07/02/2025 01:02
Thứ năm, 06/02/2025 19:02
TMO – Hà Giang có tiềm năng lớn về 3 lĩnh vực trụ cột (du lịch; kinh tế biên mậu; nông lâm nghiệp và dược liệu chất lượng cao). Do đó, cần phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, năng động, sáng tạo, đổi mới chính mình, dám nghĩ, dám làm.
Hà Giang là một trong những địa phương vùng núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế-xã hội Hà Giang trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo đó, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả và thực chất việc đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp hữu cơ, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, mô hình Hợp tác xã kiểu mới, nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương; tạo điều kiện, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn cho kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân phát triển. Quy mô nền kinh tế từng bước được mở rộng, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2020-2024 đạt 5,32%; trong đó năm 2024 đạt 6,05%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người 39,3 triệu đồng, tăng 9,5 triệu đồng so với năm 2020.
Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân được quan tâm thực hiện đồng bộ. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 5,6%/năm (trong đó năm 2024 giảm 6,26%) với 46.186 hộ thoát nghèo. Giai đoạn 2020-2024, hoàn thành việc xóa 19.553 nhà tạm, nhà dột nát; phấn đấu đến hết quý II/2025 hoàn thành xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát. 100% các huyện thành lập Trường Phổ thông Dân tộc nội trú liên cấp trung học cơ sở - trung học phổ thông. Hệ thống tổ chức y tế từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được đầu tư, nâng cấp. Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm; toàn tỉnh có 10,17 bác sĩ/vạn dân, 45,7 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97,25%.
Chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đồng thời tập trung xây dựng con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; thực hiện có hiệu quả các chính sách về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Khách du lịch đến Hà Giang ngày càng tăng, đạt trên 3,5 triệu lượt người, tăng trên 33% so với nhiệm kỳ trước…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh còn thấp kém, chưa đồng bộ. Việc duy trì các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới chưa bền vững. Chất lượng giáo dục chưa được cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 36,35%). Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện còn 3 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chưa đạt là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Tỉnh ủy Hà Giang. Ảnh: QH
Phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Hà Giang ngày 6/2, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận và biểu dương những thành tựu mà các Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang đã đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra những tiềm năng phát triển của địa phương cần tập trung khai thác, như: Nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo và quý giá cho phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đặc hữu.
Hà Giang có các vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt, có thể phát triển cây trồng, vật nuôi vùng núi cao mang tính đặc trưng, khác biệt, đặc sản nông nghiệp vùng cao. Khí hậu ôn đới núi cao, mát mẻ quanh năm mang lại lợi thế phát triển nhiều loại dược liệu quý có thể phát triển quy mô công nghiệp ở nhiều tiểu vùng. Hệ thực vật rừng nguyên sinh của Hà Giang phong phú có rất nhiều loại dược liệu tự nhiên quý giá. Việc kết hợp khai thác bền vững tài nguyên rừng với bảo tồn đa dạng sinh học là cơ hội phát triển ngành dược liệu xanh của tỉnh. Tỉnh cũng có tài nguyên du lịch dồi dào và đặc sắc. Hà Giang nằm ngay cạnh thị trường tiềm năng có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đó là một lợi thế lớn về thị trường. Lực lượng lao động trẻ dồi dào và chịu khó…
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Hà Giang cần tiếp tục công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người, khối Đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời yêu cầu, tỉnh tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp theo đúng tinh thần Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; đặc biệt là công tác nhân sự Đại hội và xây dựng văn kiện Đại hội. Các nghị quyết Đảng bộ xã, huyện phải được triển khai ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội ở từng cấp và phải thực sự tạo chuyển biến ở từng cấp, từng thôn bản, từng người dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, Hà Giang có tiềm năng lớn về 3 lĩnh vực trụ cột: Du lịch; kinh tế biên mậu; nông lâm nghiệp và dược liệu chất lượng cao. Từ những lợi thế tự nhiên và xã hội, muốn hiện thực hóa những tiềm năng thành những thành tựu lớn trong phát triển, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị của Hà Giang phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, năng động, sáng tạo, đổi mới chính mình, dám nghĩ, dám làm, cải thiện mạnh mẽ thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động tìm giải pháp không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương. Tổng Bí thư lưu ý, thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển theo cơ chế thị trường, thay thế tư duy kinh tế kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, tăng cường các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong cả nông nghiệp, thương mại, dịch vụ để khắc phục những hạn chế về phân mảnh, nhỏ lẻ và chia cắt. Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, đa chức năng: tập trung phát triển nông nghiệp thông minh, đặc sản, hữu cơ, an toàn gắn với phát triển du lịch bền vững; phát triển cơ sở hạ tầng.
Hà Giang có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh minh họa.
Hà Giang cần chú trọng đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng cửa khẩu, phát triển dịch vụ logistics, hạ tầng y tế, giáo dục và các hạ tầng thông minh. Phát triển kinh tế số và thương mại điện tử lại càng quan trọng với những địa phương xa xôi cách trở như Hà Giang. Chú trọng quản lý phát triển rừng và tài nguyên nước, đây là hai tài nguyên quý giá, tác động lớn đến tương lai phát triển bền vững của tỉnh.
Hà Giang cần chú trọng gìn giữ, bảo vệ an ninh biên giới, an ninh trật tự và an toàn xã hội; an ninh biên giới phải gắn với bảo vệ văn hóa và phát triển kinh tế biên giới; khuyến khích người dân định cư lâu dài ở khu vực biên giới thông qua cách chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế; nâng cao ý thức quốc phòng, khuyến khích các dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động bảo vệ biên giới và duy trì ổn định địa bàn. Tỉnh cần chú ý nâng cao đời sống cho nhân dân, không để chênh lệch giàu nghèo trong các đồng bào dân tộc; phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo bền vững…/.
LÊ HÙNG
Bình luận