Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 16:11
Thứ ba, 07/03/2023 08:03
TMO – Góp ý trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, nhiều chuyên gia cho rằng thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi sinh kế của nhiều người dân. Do vậy để thống nhất về nhận thức và tránh phát sinh những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện cần làm rõ hơn về mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi, việc thu hồi phải đem lại lợi ích trước mắt, cũng như lâu dài cho quốc gia, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi.
Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội nhanh chóng triển khai tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan soạn thảo). Theo đó, đánh giá về những ưu điểm trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) về vấn đề thu hồi đất, TS. Phan Văn Ngọc, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn cho rằng, dự thảo luật đã quy định rõ hơn phạm vi thu hồi và bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; đã tăng cường hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm quyền lợi tiếp cận của người dân đối với các thông tin đất đai, trong đó có thông tin về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Tuy nhiên, TS Phan Văn Ngọc, về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cần có định nghĩa rõ ràng và bao quát về khái niệm "vì lợi ích quốc gia, công cộng". Bên cạnh đó, trong nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi cũng cần có quy định rõ ràng hơn về việc bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể. Hay trong nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất nên bổ sung quy định thời hạn cụ thể cho việc bồi thường; việc bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi cũng cần bổ sung thêm quy định về thời hạn cụ thể cho việc bố trí chỗ ở mới cho người dân.
Lấy ý kiến Nhân dân dự thảo sửa đổi Luật Đất đai. Ảnh minh hoạ
Tại Lạng Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cũng cho rằng Dự thảo luật lần này cần làm rõ hơn khái niệm về các trường hợp Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể, tại Điều 78 của dự thảo luật có quy định về các trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về điều kiện, tiêu chí thu hồi đất. Đối chiếu với luật hiện hành có thể thấy rằng quy định của dự thảo luật có phạm vi mở rộng và cụ thể hơn.
Tuy nhiên, thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm thời gian qua nảy sinh nhiều phức tạp, khiếu kiện, tiêu cực. Do vậy để thống nhất về nhận thức và tránh phát sinh những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện cần làm rõ hơn về mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi, việc thu hồi phải đem lại lợi ích trước mắt, cũng như lâu dài cho quốc gia, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi.
Điều 78 dự thảo Luật liệt kê các trường hợp dự án Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng vẫn còn thiếu một số trường hợp khác khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành. Do đó, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung này theo hướng Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất đối với các dự án đầu tư công và các dự án không có yếu tố kinh doanh để Luật Đất đai có thể bao trùm được hết các các trường hợp dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sau khi triển khai thi hành.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn cho biết, thực tế tại địa phương, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng phát sinh trường hợp người có đất thu hồi vắng mặt (không thể liên hệ hay thông báo được), vướng mắc khi thực hiện quy trình giải phóng mặt bằng. Ông Hoàn đề nghị bổ sung quy định về trình tự thủ tục thu hồi trong trường hợp người sử dụng đất vắng mặt tại địa phương (đề xuất tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phối hợp với UBND cấp xã lập biên bản ghi nhận vắng mặt và thực hiện kiểm đếm vắng mặt). Về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, ông Lại Văn Hoàn cũng đề nghị chỉ quy định được bồi thường bằng đất có cùng mục địch sử dụng với loại đất bị thu hồi, bằng tiền hoặc bằng đất trong cùng nhóm đất với loại đất thu hồi, không bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở.
Liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế trong quy trình thu hồi đất có những khó khăn, tồn tại dẫn đến xảy ra khiếu kiện phức tạp, đông người, do chưa có đầy đủ quy phạm pháp luật hoặc còn hạn chế về nhận thức pháp luật, về sự phối hợp chưa đồng bộ trong hệ thống chính trị ở mỗi cấp. Mức bồi thường bằng tiền cần căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất; đồng thời việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi có chỗ ở, có điều kiện sống tốt bảo đảm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhất là đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, người cô đơn.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tổ chức lấy ý kiến góp ý tại tất cả các địa phương trên cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân trước ngày 27/3/2023; trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 1/4/2023; báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5/4/2023. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ V, trước ngày 25/4/2023.
Phạm Yến
Bình luận