Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Chủ nhật, 21/08/2022 12:08
TMO - Yếu tố tạo nên sự độc đáo của làng cổ Đường Lâm chính là cây Đa, bến nước, sân Đình, Cổng làng, những ngôi nhà mang kiến trúc thời xưa và đặc biệt là giếng nước cổ.
Làng cổ Đường Lâm nằm bên hữu ngạn sông Hồng, cạnh đường Quốc lộ 32, tại ngã ba giao cắt với đường Hồ Chí Minh. Con sông Tích Giang chảy từ hướng hồ Suối Hai huyện Ba Vì, qua Đường Lâm, để vào thị xã Sơn Tây. Đường Lâm giáp xã Cam Thượng (tức Cam Giá Thượng) huyện Ba Vì ở phía Tây và Tây Bắc. Tây Nam giáp xã Xuân Sơn, phía Nam giáp xã Thanh Mỹ, phía Đông Nam giáp phường Trung Hưng, phía Đông giáp phường Phú Thịnh, đều của thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Phía Bắc Đường Lâm tiếp giáp với huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc, ranh giới là sông Hồng.
Nhắc đến Đường Lâm là nhắc đến ngôi làng Việt còn giữ được “nguyên bản”. Trong không gian văn hóa của vùng đất hai Vua, giếng làng là một phần quan trọng không thể thiếu. Những chiếc giếng cổ đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên đường nét độc đáo rất riêng cho văn hóa xứ Đoài.
Làng cổ Đường Lâm, xưa thuộc đất Kẻ Mía, thuộc vùng bán sơn địa, (phía Đông Bắc, thị xã Sơn Tây), lưng dựa vào núi Tản, mặt hướng về phía sông Hồng. Đây là vùng đất được bao bọc bởi các con sông Đà, sông Tích, là nơi lưu trữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Đến làng Đường Lâm, hình ảnh đầu tiên là cây đa to sừng sững nằm cạnh cổng làng. Hình ảnh này đã tồn tại từ nhiều đời nay, chứng kiến bao nỗi thăng trầm của ngôi làng này. Đường Lâm cũng là quê hương nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An, ... Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng.
Tuy gọi là làng cổ nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.
Giếng cổ Đường Lâm
Cùng với cổng làng, cây đa, bến nước và nhà cổ, giếng làng là hình ảnh mộc mạc mà bất cứ người con nào của Đường Lâm đi xa đều nhớ đến. Trong ngôi làng Việt, giếng làng là tên của cái giếng duy nhất ở làng, nhưng cũng có thể là tên dành chung cho nhiều giếng trong địa phận của làng đó. Có nhiều loại giếng làng. Giếng được người làng đặt tên theo vị trí địa lý gắn liền nó, như: Giếng đình (tức cạnh đình – pv), giếng chùa, giếng đền, giếng đồng, giếng núi, giếng khơi (tức giếng ở trên đồi - pv)… Nhiều nơi, tên giếng gắn với tên của thôn xóm hoặc có thể gắn liền với cấu tạo, hình dáng của giếng (giếng tròn, giếng bán nguyệt…). Có vùng, chất liệu quanh giếng được người dân lấy làm tên cho giếng (giếng đất, giếng gạch, giếng đá ong…).
Điều thú vị khi ở Đường Lâm còn lưu giữ lại hệ thống giếng nước đa dạng và mỗi giếng đều ẩn chứa những giai thoại thú vị. Nhìn chung, những chiếc giếng làng ở Đường Lâm tương đối bề thế, đẹp và giữ được nét thâm trầm, cổ kính. Một số giếng cổ nơi đây có tuổi đời đã hơn 4 thế kỷ. Ở làng Mông Phụ - trọng điểm của Đường Lâm, mỗi thôn xóm đều có một giếng mang tên của xóm, như: giếng xóm Sải, xóm Giang, xóm Hè…
Hàng trăm năm trôi qua, những chiếc giếng cổ ở Đường Lâm dường như còn nguyên vẹn. Miệng giếng được ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất đẹp và vững chãi. Những chiếc giếng làng ở vùng đất hai Vua thường rộng từ 3 – 5m và sâu trên 10m. Do được đào ở đất đá ong nên những chiếc giếng cổ ở xứ Đoài không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác. Nước ở những loại giếng này sẽ được lọc bởi đá ong. Đá ong giữ lại các chất bẩn cũng như kim loại nặng, cân bằng độ pH...
Hiện nay, người dân Đường Lâm vẫn dùng nước từ dưới giếng đá ong phục vụ sinh hoạt hàng ngày mà không cần qua thiết bị lọc nước. Theo giới chuyên gia, cơ chế lọc nước của đá ong dựa trên nguyên lý: Thành phần chính của đá ong là oxit sắt II. Chất này có khả năng hấp thụ kim loại nặng như asen, sắt, chì... rất cao. Khi dùng để lọc nước, chất oxit sắt trong đá ong sẽ giữ lại chất bẩn. Có lẽ vì thế, nước giếng ở làng cổ Đường Lâm quanh năm trong và mát.
Các giếng cổ ở Đường Lâm luôn được đặt ở những nơi cao ráo, thoáng mát, gần trung tâm cộng đồng (gần đình, chùa hoặc trung tâm của thôn xóm). Bản thân mỗi giếng làng cũng là một không gian văn hóa quan trọng của làng. Giếng làng là tim mạch, là nguồn sống và là tài sản vô cùng quý giá của tất cả dân làng. Người Đường Lâm không bao giờ chọn những nơi úng thụt, tăm tối, mất vệ sinh là vị trí đặt giếng.
Trong tư duy của người dân nông nghiệp, họ được Cha Trời ban cho tinh khí là nước mưa và Mẹ Đất đã giữ lấy để mọi sinh vật được sinh sôi, nảy nở. Với ngôi làng xưa của người Việt, giếng nước là nơi tụ hội nguồn sống, là nơi tích phúc để dân làng ăn nên làm ra. Vì tầm quan trọng của nước giếng mà từ xa xưa, người dân xứ Đoài đã phải tính toán rất thận trọng khi đào giếng. Các bậc cao niên trong làng xem địa lý, phong thủy nơi đặt giếng thật thấu đáo để chọn được mạch nước trong mát, ngọt ngào, không đục, không mặn, không chua chát và không có mùi hôi. Mạch nước được xác định lưu liên không và tuôn chảy dồi dào quanh năm suốt tháng. Do đó, các giếng ở xứ Đoài, dù ở vị trí nào cũng đều có nguồn nước trong và sạch. Đến nay, có một số đã hoang phế, nhưng nhiều khẩu giếng vẫn đầy nước và được dân làng sử dụng. Cho dù thời tiết hạn hán hay lũ lụt, nước của giếng trong năm đều không thay đổi. Người dân ở đây cho biết, trước kia, có những năm trời đại hạn, ao hồ nứt nẻ, ruộng đồng khô trắng nhưng nước của giếng làng vẫn vậy.
Có thể nói, những chiếc giếng cổ đã góp phần tạo nên một không gian văn hóa chung, góp phần cố kết tính cộng đồng ở xứ Đoài. Chiếc giếng làng không chỉ mang lại nguồn nước sinh hoạt cho người dân, mà nó còn gắn liền với bao kỉ niệm thời trai trẻ. Khi xa quê rồi, nhiều người con của làng Đường Lâm như vẫn còn khắc khoải về những kỉ niệm nơi làng quê, bên chiếc giếng làng ngày ấy. Sự đổi thay trong cuộc sống ngày nay khiến cho nhiều làng quê không còn sử dụng giếng làng. Tuy nhiên, với Đường Lâm, giếng làng lại là bộ phận không thể thiếu trong không gian văn hóa của làng. Những chiếc giếng cổ đã tạo nên nét đặc sắc rất riêng của vùng đất này, là niềm tự hào của người dân bản địa và để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí của những ai về thăm xứ Đoài.
Lý Lan
Bình luận