Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ bảy, 29/04/2023 06:04
TMO - Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài quý hiếm, tới vẻ đẹp cảnh quan, môi trường và qua đó ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ, trong đó, chỉ một phần được thu hồi để tái chế hoặc tiêu hủy, còn lượng lớn bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển. Lượng chất thải nhựa, túi nilon của cả nước ta chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt, ở một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển, trung bình mỗi du khách thải ra môi trường 5-10 túi nilon/ngày, 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày, chưa kể các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng một lần
Trên thực tế, sự tăng trưởng cao về lượng khách và xu hướng du lịch đại trà tại Việt Nam giai đoạn vừa qua là một trong những nguyên nhân khiến nhiều khu du lịch đã và đang phải đối mặt hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Tiêu biểu như Vịnh Hạ Long với trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển; Đà Nẵng với 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 17%, tương đương 20,8 tấn/ngày đêm; Phú Quốc (Kiên Giang) với 155 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 19%, tương đương 32,1 tấn/ngày đêm (theo số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch)…
Nâng cao ý thức của cộng đồng trong giảm thiểu rác thải nhựa nhất là đối với hoạt động du lịch là nhiệm vụ quan trọng được các địa phương đẩy mạnh triển khai. Ảnh: BKH.
Để hạn chế rác thải, Việt Nam đã đưa ra lộ trình về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải nhựa, được cụ thể hóa tại các văn bản Luật, Nghị định. Liên quan đến, lĩnh vực du lịch, Nghị định 08/NĐ-CP quy định, sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các khu, điểm du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản quy định về giảm thiểu chất thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, điển hình là Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL về Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; Quyết định số 1066/QĐ-BVHTTDL về Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch; Công văn số 1857/BVHTTDL-TCDL về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni-lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần. Vấn đề quản lý chất thải nhựa tại các khu du lịch ven biển cũng đã được đề cập đến trong các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa biển, rác thải nhựa đại dương đối với nguồn phát sinh từ hoạt động du lịch.
Ngành Du lịch đã xây dựng Bộ tiêu chí nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam, phát động Chiến dịch bảo vệ môi trường du lịch “Go Green - Du lịch Xanh” cam kết chung tay bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên; phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường du lịch, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường du lịch,… Trong chiến lược phát triển, ngành du lịch luôn coi chất lượng môi trường là yếu tố hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Những năm trở lại đây, các địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững. Huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình nơi sở hữu đầm Vân Long - khu ramsar thứ 9 của Việt Nam, mô hình giảm thiểu rác thải nhựa được thực hiện từ chính cộng đồng địa phương. Các chương trình đang được địa phương triển khai là: Chở xanh - Thở lành (phát thùng rác bằng mây tre đan cho người dân, khách du lịch); chương trình “hộp quà xanh - điều em muốn nói” để các học sinh tái chế rác thải nhựa thành các tháp cây: trồng cây xanh và làm các sản phẩm quà tặng để gây quỹ hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật; ngày chủ nhật xanh.
Du khách lên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) sẽ được hướng dẫn sử dụng túi thân thiện với môi trường thay cho túi nilon.
Tại Quảng Ninh, tỉnh đã xây dựng Bộ tiêu chí Nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” gắn cho tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long. Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường bảo vệ môi trường trong hoạt động tàu du lịch ở Hạ Long, nâng cao hình ảnh của các doanh nghiệp tàu du lịch trong con mắt du khách trong và ngoài nước. Tại huyện Cô Tô cũng triển khai đề án “Hạn chế sử dụng túi ni-lông”; cấp phát miễn phí hàng nghìn chiếc làn và túi đựng sinh thái cho các hộ gia đình trên đảo để đi chợ.
Tại Hội An, từ tháng 3/2021, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và UBND thành phố Hội An ban hành Kế hoạch hành động đến năm 2023, trong đó các doanh nghiệp du lịch giảm rác thải và rác thải nhựa tại các điểm đến, cơ sở lưu trú với hình thức không dùng đồ nhựa dùng 1 lần mà thay thế bằng vật liệu khác. Kết quả đạt được là sau thời gian thực hiện dự án có 50 doanh nghiệp du lịch tự nguyện ký cam kết tham gia mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải. Một hệ sinh thái tái chế đang dần được hình thành và phát triển. Có 27 cơ sở kinh doanh ở Hội An bán các sản phẩm tẩy rửa như nước rửa chén, nước lau sàn và giấm lau nhà đựng trong hộp có thể tái sử dụng, bao gồm quán cà phê, nhà dân, nhà hàng...
Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch cả nước, đưa toàn ngành tham gia tích cực và hiệu quả vào công tác giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam. Theo đó, dự án sẽ triển khai nhiều hành động, đặc biệt là truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa. Bên cạnh đó, các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được triển khai thí điểm tại một số nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch tại hai tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam và được phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước; “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa” được xây dựng, áp dụng thí điểm và ban hành.
Nguyễn Hồng
Bình luận